Các thành phố lớn của phương Tây thắt chặt an ninh trong ngày cuối cùng của năm 2016 do lo ngại tấn công khủng bố có thể xảy ra tại các lễ hội chào đón năm mới.
Châu Âu lo ngại
Các nhà chức trách đặc biệt lo ngại nguy cơ lặp lại vụ tấn công bằng xe tải xảy ra ở Pháp và Đức trước đó. Các khối bê tông và xe bọc thép được đặt tại Quảng trường Pariser Platz ở thủ đô Berlin - Đức để làm rào cản bảo vệ đám đông chào đón năm mới. 1.700 cảnh sát tuần tra bên trong và xung quanh quảng trường trong một chiến dịch an ninh lớn chưa từng có. Chưa hết, 1.800 cảnh sát được triển khai ở TP Cologne để đề phòng xảy ra các vụ tấn công tình dục như vào đêm giao thừa năm ngoái. Tại Áo, nhà chức trách trao miễn phí 6.000 thiết bị báo động bỏ túi để giúp ngăn chặn các trường hợp tấn công phụ nữ.
Tại Pháp, Bộ trưởng Nội vụ Bruno Le Roux cho biết hơn 90.000 cảnh sát, binh lính được triển khai để bảo vệ các sự kiện chào đón năm mới. Cũng vì nỗi lo an ninh, chính quyền thủ đô Paris một lần nữa hủy bắn pháo hoa tại tháp Eiffel. Trái lại, nhà chức trách TP Brussels - Bỉ vẫn bắn pháo hoa bất chấp các vụ tấn công khiến 32 người thiệt mạng, hơn 300 người bị thương hồi tháng 3-2016.
Tại thủ đô London - Anh, khoảng 3.000 cảnh sát được triển khai để bảo vệ các địa điểm thu hút đông người, trong đó nổi bật là màn trình diễn pháo hoa ngoạn mục thu hút hàng trăm ngàn người tập trung theo dõi bên bờ sông Thames. Nhà chức trách thủ đô Madrid - Tây Ban Nha cũng huy động thêm 1.600 cảnh sát. Số người tham gia chào đón năm mới tại trung tâm Quảng trường Puerta del Sol bị giới hạn còn 25.000 người.
Nhiều tâm trạng
Nỗi lo an ninh cũng lan sang Mỹ, nơi tâm điểm chú ý là lễ hội chào mừng năm mới tại TP New York. Chỉ huy lực lượng cảnh sát địa phương, ông Carlos Gomez, cho biết 65 thùng rác nặng và xe tải chở cát được bố trí xung quanh Quảng trường Thời Đại để làm rào cản trong lúc khoảng 7.000 cảnh sát được triển khai làm nhiệm vụ đêm giao thừa. Theo Reuters, hàng triệu người tận mắt chứng kiến quả cầu được thả xuống trong lễ đếm ngược đến thời khắc giao thừa, được tô điểm bởi hàng tấn hoa giấy muôn sắc màu tung bay trong không trung. Ban tổ chức đã cho lắp đặt 288 miếng pha lê mới lên quả cầu, tượng trưng cho chủ đề “Món quà của sự tử tế”. Chủ đề này thể hiện mong ước về một thế giới đoàn kết trong năm 2017 sau một năm 2016 có không ít biến động.
Cũng như mọi năm, quốc đảo Tonga, Samoa và đảo Christmas của Cộng hòa Kiribati là những nơi đầu tiên trên thế giới đón năm mới trong lúc những nơi cuối cùng là 2 đảo Baker, Howland xa xôi của Mỹ. Trong số này, TP Sydney - Úc là một trong những thành phố lớn đầu tiên đón năm mới. Các màn bắn pháo hoa hoành tráng có chi phí 7 triệu USD đã thu hút khoảng 1,5 triệu người thưởng ngoạn, đông hơn những năm trước. Khoảng 2.000 cảnh sát được bổ sung cho chiến dịch an ninh ở Sydney.
Còn ở Nhật Bản, hàng triệu người viếng đền trong đêm cuối năm và buổi sáng ngày đầu năm mới trước khi trở về nhà, quây quần bên gia đình và xem các chương trình giải trí đón năm mới. Bầu không khí đón năm mới ở Hàn Quốc có phần u ám hơn bởi vụ bê bối liên quan đến Tổng thống Park Geun-hye. Thay vì vui chơi, nhiều người dân tiếp tục đổ ra đường phố tại thủ đô Seoul trong đêm giao thừa để đòi bà Park từ chức. Người dân Thái Lan cũng đón năm mới kém vui hơn do thời gian để tang Quốc vương Bhumibol Adulyadej vẫn còn.
Sao chổi “thắp sáng”
Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết sao chổi sẽ xuất hiện vào đêm cuối năm 2016. “Tạm biệt năm 2016 theo phong cách vũ trụ bằng cách quan sát sao chổi trong đêm giao thừa 31-12” - JPL cho biết trong thông điệp trên mạng xã hội Instagram. Theo NASA, sao chổi 45P/Honda-Mrkos-Pajdusakova sẽ đến gần mặt trăng vào đêm giao thừa.
TS David Reitzel, giảng viên thiên văn học tại Đài Thiên văn Griffith ở bang California - Mỹ, cho biết sao chổi này có thể được nhìn thấy bằng kính viễn vọng hoặc ống nhòm chuyên dụng. Ông Reitzel nói thêm mọi người có thể nhìn thấy sao chổi 45P lần nữa vào ngày 11-2-2017 khi nó ở gần trái đất hơn, ở khoảng cách 12 triệu km.
Đêm giao thừa năm nay còn có một điểm khác lạ: Người dân trên thế giới phải chờ thêm 1 giây để đón năm 2017. Trong ngày 31-12-2016, 1 giây nhuận sẽ được cộng thêm vào lúc 23 giờ 59 phút 59 giây theo Giờ Phối hợp Quốc tế (UTC - chuẩn quốc tế về ngày giờ được thực hiện bằng phương pháp nguyên tử). Các phép đo cho thấy trái đất quay chậm hơn so với thời gian nguyên tử trung bình khoảng 1,5-2/1.000 giây mỗi ngày. Do đó, sau khoảng 500-750 ngày, sự khác biệt giữa thời gian quay của trái đất và thời gian nguyên tử sẽ vào khoảng 1 giây.
Theo Cơ quan Giám sát Chuyển động xoay của trái đất và hệ thống tham chiếu (IERS), giây nhuận sẽ được thêm vào hoặc bớt đi khỏi giờ UTC khi cần nhằm giữ độ lệch giữa 2 loại thời gian trên trong khoảng 0,9 giây.
Xuân Mai
Bình luận (0)