Nhà báo tự do người Palestine Youmna al-Sayed có chưa đầy 1 giờ đồng hồ để đến nơi an toàn khi IDF nhắm mục tiêu tòa tháp al-Jalaa. Youmna al-Sayed lao đến thang máy vì chỉ có một thang máy hoạt động trong tháp al-Jalaa. Tháp al-Jalaa là tòa nhà 11 tầng ở TP Gaza, có khoảng 60 căn hộ và một số văn phòng.
Youmna al-Sayed kể: "Chúng tôi để thang máy cho người già và trẻ em đi sơ tán, còn chúng tôi chạy xuống bằng thang bộ. Tôi đã giúp 2 đứa trẻ sống ở đó đi xuống bằng thang bộ. Mọi người cố chạy thật nhanh".
Islam az-Zaeem, một luật sư làm việc trong tòa nhà, nói với Al Jazeera: "Tôi đi cầu thang bộ vì mất điện, thang máy không hoạt động. Tôi bị kích động, nhiều lần ngã xuống trong bóng tối, la hét và khóc lóc".
Ngay trước đó, quân đội Israel, lực lượng bắn phá Gaza trong 6 ngày liên tiếp, đã đưa ra cảnh báo qua điện thoại rằng cư dân chỉ có một giờ để sơ tán khỏi tòa nhà trước khi máy bay chiến đấu tấn công.
Quân đội Israel đã san bằng một tòa nhà ở Gaza, nơi đặt văn phòng của các hãng tin Al Jazeera và AP, vào ngày 15-5. Ảnh: Reuters
Nhà báo Safwat al-Kahlout của đài Al Jazeera cũng nhanh chóng sơ tán. Ông và các đồng nghiệp "bắt đầu gói ghém đồ đạc nhiều nhất có thể, từ đồ cá nhân đến thiết bị của văn phòng - đặc biệt là máy ảnh". Thế nhưng không có nhiều thời gian.
"Chỉ cần cho tôi 15 phút " - một nhà báo của hãng AP cầu xin một sĩ quan tình báo Israel qua điện thoại. "Chúng tôi có rất nhiều thiết bị, bao gồm cả máy ảnh và nhiều thứ khác. Tôi có thể mang tất cả ra ngoài" – nhà báo này nói thêm.
Jawad Mahdi, chủ sở hữu của tòa nhà, cũng cố gắng câu thêm thời gian. Ông Jawad Mahdi nói: "Những gì tôi yêu cầu là để 4 người vào trong và lấy máy ảnh của họ. Chúng tôi nghe theo cảnh báo, chúng tôi sẽ không làm điều đó nếu không được phép nhưng hãy cho chúng tôi 10 phút".
Tuy nhiên, phía Israel bác yêu cầu cho thêm thời gian để các phóng viên di chuyển thiết bị của họ khỏi tòa nhà. Sĩ quan phía Israel trả lời: "Sẽ không có 10 phút. Không ai được phép vào tòa nhà, chúng tôi đã cho mọi người 1 giờ để sơ tán". Khi yêu cầu bị từ chối, ông Mahdi nói: "Các anh đã phá hủy công việc, ký ức và cuộc sống của chúng tôi. Tôi sẽ cúp máy, làm những gì các anh muốn".
Nhân viên của AP và Al Jazeera tại Gaza buộc phải sơ tán trước các cuộc không kích của Israel. Ảnh: Reuters
Trước thông tin tòa nhà là nơi đặt các thiết bị tình báo của Hamas, nhà báo Safwat al-Kahlout khẳng định: "Tôi đã làm việc tại văn phòng này hơn 10 năm và tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì đáng ngờ. Tôi thậm chí còn hỏi các đồng nghiệp của mình xem họ có thấy điều gì khả nghi không. Tất cả đều xác nhận với tôi rằng họ chưa bao giờ nhìn thấy bất kỳ liên quan đến hoạt động quân sự hoặc đối tượng khả nghi ra vào. Trong tòa nhà, chúng tôi có rất nhiều gia đình mà chúng tôi biết hơn 10 năm. Chúng tôi gặp nhau hàng ngày khi ra vào văn phòng".
Ông Gary Pruitt, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của AP, cho biết: "Chúng tôi đã ở trong tòa nhà đó khoảng 15 năm. Chúng tôi chắc chắn không có Hamas đã ở đó". Phía AP bày tỏ rằng "bị sốc và kinh hoàng" trước vụ tấn công. Các nhà báo của Al Jazeera cũng lên án việc phá hủy văn phòng. Tổng giám đốc Al Jazeera Mostefa Souag mô tả vụ tấn công là "tội ác chiến tranh".
Quân đội Israel xin lỗi truyền thông thế giới vì "cú lừa" Hamas
Nhà báo Fares Akram của hãng AP cho biết ông đã ngủ trong văn phòng sau một đêm dài làm việc. Khi các đồng nghiệp hét lên: "Sơ tán! Sơ tán!", Akram chộp lấy những gì có thể (máy tính xách tay, một số thiết bị điện tử và một vài thứ trên bàn làm việc) trước khi chạy xuống cầu thang và nhảy vào xe của mình. Khi đã đi đủ xa, Akram dừng xe và ra ngoài để nhìn lại tòa tháp. Ông chứng kiến máy bay không người lái tấn công tòa nhà, sau đó là 3 cuộc tấn công từ các máy bay F-16.
Akram nhớ lại: "Lúc đầu, tòa tháp trông giống như một thứ gì đó đang đổ sụp từng lớp một. Tôi đã nghĩ đến một chén khoai tây chiên và điều gì có thể xảy ra nếu bạn đập tay vào chúng. Rồi khói bụi bao trùm mọi thứ. Bầu trời rền vang. Tòa nhà từng là nhà, văn phòng của nhiều người và cả với tôi đã biến mất trong lớp bụi mù mịt".
Bình luận (0)