Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân
Ngày 13-12, trả lời câu hỏi của phóng viên về các biện pháp bảo hộ công dân của VN đối với các thuyền viên VN gặp nạn trong vụ tàu đánh cá In Sung số 1 của Hàn Quốc bị chìm tại khu vực ngoài khơi Nam Cực (vĩ độ 63020 Nam, kinh độ 160015 Tây) vào lúc 4 giờ ngày 13-12 (giờ Hàn Quốc), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết:
Ngay sau khi nhận được thông tin, theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán VN tại Hàn Quốc và New Zealand khẩn trương tiếp xúc với các cơ quan chức năng của nước sở tại để tìm hiểu vụ việc và tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân.
Theo thông tin ban đầu do phía Hàn Quốc và New Zealand cung cấp, có 11 thủy thủ VN làm việc trên tàu, hiện 7 người đã được cứu, 1 người được cho là đã chết, 3 người khác đang được tích cực tìm kiếm, cứu hộ. Bộ Ngoại giao đã đề nghị phía Hàn Quốc và New Zealand sớm thông báo nguyên nhân, khẳng định danh tính của những người bị nạn và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía VN trong việc bảo hộ công dân, hỗ trợ những người bị nạn.
Bà Nga nêu rõ: Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH đã đề nghị các công ty phái cử thuyền viên cử người đi nắm bắt tình hình vụ việc, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các đối tác khẩn trương có các biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích của các thuyền viên VN.
B.Diệp |
7 trong số 11 thuyền viên VN được cứu sống Các doanh nghiệp khẩn trương phối hợp với Đại sứ quán VN tại
Liên quan đến vụ tàu In Sung số 1 của Hàn Quốc bị chìm ở Nam Cực, Ban Quản lý Lao động – Đại sứ quán VN tại Hàn Quốc cho biết: Tính đến 17 giờ 30 phút ngày 13-12, trong số 11 thuyền viên VN bị nạn, có 1 thuyền viên tử nạn, 7 thuyền viên được cứu sống và 3 thuyền viên còn mất tích.
Thông tin ban đầu cho biết thuyền viên tử nạn đã vớt được thi thể có tên (không dấu) là Nguyen Tuong. 7 thuyền viên được cứu sống gồm Tran Dinh Khanh, Nguyen Mau Hien, Tran Ngoc Son, Nguyen Van Nam, Hoang Van Bac, Nguyen Van An và Le Quang Bac. Ba thuyền viên mất tích gồm Nguyen Van Thanh, Nguyen Song Hao và Nguyen Van Son.
Được biết, 11 thuyền viên trên được các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) của VN đưa sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình hợp tác cung ứng thuyền viên tàu cá. Trong đó, thông tin ban đầu xác định có 5 thuyền viên do Công ty CP Hợp tác lao động quốc tế (LOD) cung ứng (chưa xác định rõ người bị chết), 2 thuyền viên của Công ty Cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ (INMASCO) thuộc Tổng Công ty Công trình giao thông 1 – Cienco 1) và một thuyền viên của Công ty Cổ phần Traenco (Bộ GTVT).
Ngoài ra, Công ty CP XKLĐ – Thương mại và Du lịch (TTLC) thuộc Tổng Công ty Công nghiệp ô tô VN – Vinamotor cũng đang xác minh có hay không 2 thuyền viên bị nạn do đơn vị này cung ứng cho các đại lý môi giới tàu biển Hàn Quốc.
Chiều 13-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một cán bộ của Ban Quản lý Lao động cho biết đang tích cực theo dõi, nắm tình hình và yêu cầu các doanh nghiệp có liên quan phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán VN tại New Zealand để giải quyết vụ việc.
Ông Đào Công Hải, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho hay cục cũng chỉ đạo nhanh các doanh nghiệp có cung ứng thuyền viên tàu cá liên hệ với đối tác, chủ tàu Hàn Quốc để xác định rõ thuyền viên bị nạn, trên cơ sở đó phối hợp với các cơ quan thẩm quyền giải quyết vụ việc phát sinh; hỗ trợ các gia đình trong việc đưa thi thể, hài cốt thuyền viên bị chết về nước an toàn; kịp thời giải quyết thỏa đáng các chế độ, quyền lợi liên quan.
Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ VN, cho biết thêm, vào cuối chiều 13-12, đã yêu cầu các doanh nghiệp XKLĐ là thành viên của Ban Cung ứng thuyền viên tàu cá trực thuộc hiệp hội rà soát, khẩn trương vào cuộc nếu xác định rõ danh tính thuyền viên bị hại do mình cung ứng.
Duy Quốc |
Bình luận (0)