Nhiều năm qua, các xã Cương Gián, Xuân Liên ở huyện Nghi Xuân; xã Kỳ Anh, thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh còn được gọi là xã “xuất khẩu lao động” (XKLĐ).
Từ hoạt động này, đời sống người dân được cải thiện, nhiều người thoát nghèo và đổi đời. Nhưng phía sau đó cũng phát sinh nhiều hệ lụy buồn.
Xã Cương Gián thoát nghèo, nhà cửa khang trang nhờ xuất khẩu lao động
Người nhanh chóng thoát nghèo
Đầu năm Tân Mão, chúng tôi tìm về xã Cương Gián. Thay cho hình ảnh vùng đất một thời nghèo khó là sự khang trang, trù phú.
Ông Hoàng Vĩnh Viện ở xóm Cầu Đá là một trong những gia đình có nhiều người đi XKLĐ sớm nhất ở xã Cương Gián, cho biết gia đình ông có tới 20 người đi XKLĐ với tổng cộng hơn 40 lượt, tất cả đều làm việc ở Hàn Quốc, Đài Loan...
Thu nhập của gia đình ông hiện nay có tháng lên tới 200 triệu đồng. Nếu trừ chi tiêu hằng tháng, gia đình này vẫn có thể dư khoảng 100 triệu đồng gửi vào ngân hàng hoặc quay vốn làm ăn. “Cuộc sống được thế này cũng nhờ XKLĐ, chứ đi biển thì chỉ đủ ăn qua ngày thôi”- ông Viện phân tích.
Ở các xã lân cận như Cổ Đạm, Xuân Thành..., nhiều gia đình cũng thoát nghèo nhờ XKLĐ. Các ông Nguyễn Văn Minh, xóm Lâm Hải; Nguyễn Văn Sinh ở xóm Lâm Hoa, xã Xuân Liên, cho biết cuộc sống đã khá hơn nhờ XKLĐ. Một gia đình chỉ cần có một vài người đi làm việc ở nước ngoài là đã bảo đảm cuộc sống ổn định ở quê nhà.
Theo ông Hoàng Công Tuần, Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián: Trước 1994, Cương Gián là xã nghèo nhất huyện Nghi Xuân, người dân quanh năm túng thiếu.
Bước ngoặt đổi đời bắt đầu từ 1994 khi có một số thanh niên trong xã đi đánh bắt cá thuê cho một số thuyền lớn ở Cửa Hội rồi được Công ty Đánh bắt thủy hải sản 46 Đò Điệm đưa sang Hàn Quốc làm ngư phủ.
“Lúc đầu, chỉ có 4 thanh niên đi, vài tháng sau, họ gửi về cho gia đình khoản thu nhập mỗi tháng hơn 10 triệu đồng. Thấy làm ăn được, doanh nghiệp XKLĐ liên hệ với chính quyền xã để đưa hơn 100 thanh niên thuộc hai thôn Nam Mới và Bắc Mới đi XKLĐ. Sau đó, XKLĐ được nhân rộng trong toàn xã.
Kẻ nợ nần chồng chất, tan vỡ gia đình
Tuy nhiên, cơ hội đổi đời không chia đều cho tất cả mọi người, nhiều người đã biến thành con nợ không có khả năng trả. Anh Lê Văn Thanh ở xóm Nam Mới, xã Cương Gián, cho biết tới nay, anh đã đi XKLĐ hàng chục lần nhưng đều gặp phải các “công ty ma” hoặc sang làm việc không được bao lâu thì phải về nước.
Hiện gia đình anh đã nợ lên đến gần 1 tỉ đồng, không có khả năng trả. “Được mảnh đất, ngôi nhà của ông bà để lại cũng cầm cố, người ta giàu lên từ XKLĐ, còn mình thì trở thành con nợ”- anh Thanh buồn bã nói.
Tương tự, anh Lê Thanh Phương ở xã Xuân Liên, cũng từng làm việc ở nhiều nước nhưng chưa lần nào thành công và nay phải đang mang nợ gần 1 tỉ đồng... Nhiều gia đình khác cũng trắng tay do bị lừa đảo khi làm hồ sơ thủ tục XKLĐ.
Cũng với ước muốn được sống và làm việc lâu dài ở nước ngoài, một số người cho vợ hoặc chồng kết hôn giả với người nước ngoài để tìm cách gia nhập quốc tịch, từ đó phát sinh những bi kịch gia đình.
Tiếp xúc với chúng tôi, anh V.V.H ở xóm Cầu Đá, xã Cương Gián, cho biết: Do bị bệnh gan nên không thể đi XKLĐ, anh cũng đánh liều cho vợ làm kết hôn giả với người Hàn Quốc. Hai năm đầu, tháng nào, vợ anh cũng gửi về từ 25 triệu đến 30 triệu đồng, anh trả được nợ, xây được nhà, bước sang năm thứ tư thì vợ anh không gửi tiền về nữa, rồi chấm dứt luôn việc liên lạc với gia đình anh.
Hiện hai xã Cương Gián và Xuân Liên, huyện Nghi Xuân có gần 6.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Tổng số tiền mà số lao động này gửi về trung bình mỗi năm khoảng 300 tỉ đồng. |
Kỳ tới: Ám ảnh đời thuyền viên
Bình luận (0)