Singh là một trong số ngày càng nhiều phụ nữ trẻ ở Ấn Độ sẵn sàng “đánh cược” trong công việc đầy rủi ro này để kiếm thêm tiền, dù đây vẫn được coi là điều sai trái về mặt đạo đức và xã hội ở Ấn Độ. Phụ nữ thường sẵn sàng chấp nhận rủi ro bị các biến chứng như nhiễm trùng hay hội chứng kích thích quá mức buồng trứng. Lý do không phải khó đoán: Có hẳn một thị trường “trứng người” đang phát triển.
Phụ nữ từ hơn 70 nước đã đến Ấn Độ trong 2 năm qua, chi trả đến 40.000 rupee (hơn 14,3 triệu đồng VN) để có được một trứng, thấp hơn nhiều so với chi phí ở nước họ. Chi phí cho việc thụ tinh trong ống nghiệm ở Ấn Độ dao động trong khoảng 60.000 đến 80.000 rupee so với khoảng 40.000 bảng ở Anh Quốc. Tại Bệnh viện Jaslok ở Mumbai, số bệnh nhân nước ngoài chữa trị vô sinh chiếm 10% tổng số bệnh nhân thuộc loại này, và tỉ lệ này sẽ còn thay đổi.
Trong khi việc hiến trứng mang tính thương mại bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ở các nước phương Tây như Pháp và Anh, nó lại hợp pháp ở Mỹ, nhưng chi phí cực cao. Một trứng người có giá 5.000 USD so với giá 20.000 đến 40.000 rupee ở Ấn Độ.
Các chuyên gia cho rằng ngành công nghiệp hiến trứng chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh với việc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ đề xuất các tiêu chí cho việc hiến trứng mang tính thương mại, theo đó phụ nữ trong độ tuổi 21 đến 33 được quyền bán trứng cho một đối tác thứ ba. Cho đến nay đa số phụ nữ hiến trứng xuất thân từ các gia đình nghèo. Nhận xét về vấn đề này, chuyên gia phụ khoa Ấn Độ Duru Shah nói: “Tôi có thể hiểu một phụ nữ làm điều đó để nuôi gia đình, nhưng số phụ nữ làm điều đó chỉ để thỏa mãn những nhu cầu cuộc sống riêng lại là một xu hướng đáng lo ngại”.
Bình luận (0)