Ba năm trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó, ông Ashton Carter, mô tả ảnh hưởng lớn mạnh của Iran là "họ đã vào cuộc chơi và ở trên mặt trận" (đề cập tới các hoạt động quân sự của Iran ở Syria, Iraq, Lebanon và Yemen). Ông hối thúc các nước Ả Rập vùng Vịnh - đối thủ khu vực của Iran - hành động tương tự, cần bớt dựa dẫm vào Mỹ và đóng vai trò lớn hơn trong khu vực.
Đó chính xác là những gì các nước này đã và đang nỗ lực thực hiện kể từ năm 2015. Nay ông Carter và nhiều người khác có lý do để nhìn lại lời khuyên đó. Thiếu vắng sự lãnh đạo mạnh mẽ của Mỹ, tương lai của khu vực xoay quanh những gì mà các nước lớn tại đây xác định là ưu tiên và cách họ tìm đường đạt được. Dù cho có quyết định thức tỉnh trở lại, Washington cũng sẽ thấy khó khăn hơn trước rất nhiều trong việc khẳng định vị thế.
Điều đang xảy ra ở Trung Đông ngày nay có thể bắt nguồn từ "Mùa xuân Ả Rập" 2011 - sự kiện khơi dậy khát vọng thay đổi dân chủ trong người dân. Lội ngược dòng thời gian, nhóm quốc gia gồm Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Ai Cập và các đồng minh ở Yemen, Libya và những nơi khác, cho rằng tương lai phải tập trung quyền lực hơn nữa. Dựa trên những chia sẻ của quan chức Ả Rập cấp cao, có thể tóm tắt quan điểm chủ đạo như sau: Một cách tiếp cận mạnh tay trong nước và tại khu vực có thể chứa đựng nhiều rủi ro nhưng lựa chọn thay thế còn tệ hơn.
Khi Mùa xuân Ả Rập dịch chuyển quyền lực từ các nền cộng hòa Ả Rập sang những nền quân chủ giàu có và ổn định hơn của vùng Vịnh, giới lãnh đạo trên khắp khu vực đã chấm dứt hành động như thể họ sẽ nhượng bộ hay cúi đầu trước ý chí của người dân dù theo hướng dân chủ hơn hay mộ đạo hơn. Chẳng hạn, Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman (MbS) đã tuyên bố năm 2017: "Chúng tôi sẽ không phí phạm 30 năm cố gắng thỏa hiệp với ý tưởng của những kẻ cực đoan; chúng tôi diệt trừ chúng tận gốc rễ tại đây và ngay bây giờ". Để bảo vệ sự ôn hòa, ông đề xuất chỉ cần trấn áp những phần tử cực đoan về tôn giáo.
Tất nhiên, vẫn còn chỗ cho sự chuyên chế như vậy. Giới tinh hoa, những người theo chủ nghĩa dân tộc lâu đời và cả những dân thường đã quá mệt mỏi hay sợ hãi chiến tranh đều lấy làm hân hoan sau sự nổi lên của những lãnh đạo như ông Abdel Fattah al-Sisi ở Ai Cập hoặc Thái tử MbS.
Tại Ai Cập, chiến dịch chống lại phong trào Anh em Hồi giáo và bất cứ hình thức bất đồng nào đang quyết liệt nhất trong gần 50 năm qua. Phần lớn những người Hồi giáo của nhóm trên và những nhân vật chỉ trích đều đang mòn mỏi trong tù hoặc sống lưu vong. Đối với Tổng thống Sisi và những người ủng hộ ông, các biện pháp cứng rắn có thể chấp nhận được bởi vì chúng ổn định đất nước.
Lực lượng an ninh đối mặt người biểu tình ở TP Basra - Iraq gần đây Ảnh: REUTERS
Đối với những chế độ nói trên, ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn sự lặp lại của cuộc nổi dậy năm 2011 và họ cho rằng cách tốt nhất là tiếp tục cứng rắn. Đó chính là lý do khiến kịch bản Thái tử MbS bị thất sủng sau vụ nhà báo Ả Rập Saudi Jamal Khashoggi bị sát hại tỏ ra xa rời so với thực tế khu vực.
MbS được xem như thành viên chủ chốt trong đội ngũ những lãnh đạo mới đang xây dựng lại Trung Đông và đội ngũ này sẽ sát cánh bên ông. Điều này cho thấy hoạt động phong tỏa Qatar sẽ tiếp diễn, cũng như cuộc chiến Yemen. Những lo ngại về nhân đạo đơn giản là chẳng có trọng lượng so với hiệu quả có được từ sự cứng rắn.
Các nhà chuyên quyền có sự hậu thuẫn từ những bộ phận lớn trong xã hội của họ và một cánh cửa để củng cố quyền lực. Tuy nhiên, một nhóm đa thành phần bao gồm các nhà dân chủ tự do cũng như những người Hồi giáo cấp tiến cho rằng cánh cửa đó không mở vĩnh viễn hoặc thậm chí chẳng mở lâu, bởi vì các hệ lụy kinh tế, chính trị, xã hội của các cuộc nổi dậy Ả Rập năm 2011 đã trở nên tồi tệ.
Trong nỗ lực củng cố quyền lực, các chính phủ tập quyền đang ngày càng thu gọn quyền lực hơn và điều này nhiều khả năng khiến họ gặp phải những thách thức nội bộ. Hành động trấn áp người chống đối có thể gieo rắc bất bình. Ngoài ra, nếu chính quyền không thể cải thiện kinh tế cho người dân - điều cho đến nay họ vẫn chưa làm được, khả năng khôi phục sự ổn định sẽ bị tổn hại, từ đó ảnh hưởng đến quyền lực của họ. Iraq và Jordan, chẳng hạn, gần đây đã chứng kiến một làn sóng nổi dậy chống lại các chính sách kinh tế không được lòng dân.
Không có chỗ cho hòa giải hoặc thỏa hiệp giữa các chính phủ tập quyền và các đối thủ dân chủ hoặc Hồi giáo. Nếu bên tập quyền thắng thế - và họ thực sự có cơ hội đó - phương Tây sẽ phải từ bỏ giấc mơ về một Trung Đông cởi mở chính trị hơn. Đây chính là tầm nhìn đã châm ngòi cho Mùa xuân Ả Rập. Nếu họ thất bại - một kịch bản đang gây nhiều tranh luận - đất nước của họ có thể trải qua một giai đoạn hỗn loạn với quy mô tương tự cuộc nội chiến Syria. Trong không khí đầy biến động đó, nước Mỹ lại đang vắng mặt một cách đáng ngại.
Các đối thủ của Iran đang "vào cuộc chơi và ở trên mặt trận" như lời khuyên của ông Carter 3 năm trước. Thiếu vắng tại chỗ là một trọng tài để trông chừng các xung đột và ngăn chặn những bản năng tồi tệ nhất của những người tập quyền. Mỹ dường như không quan tâm tới các diễn biến ở Trung Đông lúc này nhưng nguy cơ thực sự của sự thờ ơ đó chính là một tương lai thậm chí bất ổn hơn quá khứ.
Bình luận (0)