Kịch bản châu Âu rơi vào suy thoái kinh tế dường như không thể tránh khỏi khi Nga tiếp tục siết chặt nguồn cung khí đốt. Chỉ vài ngày sau khi châu Âu thở phào nhẹ nhõm khi tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga thông báo tái khởi động đường ống Nord Stream 1 ở mức 40% công suất thì nhận tin Gazprom cắt giảm lượng khí đốt xuống mức 20% công suất từ ngày 27-7.
Lục địa già đang đối mặt một loạt thách thức gồm lạm phát lan rộng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine và chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.
Phản ứng trước thông tin từ Nga, Liên minh châu Âu (EU) hôm 25-7 thông qua đề xuất cho các nước thành viên tự nguyện cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong giai đoạn từ tháng 8-2022 đến tháng 3-2023. Việc cắt giảm có thể bị ràng buộc trong trường hợp khẩn cấp về nguồn cung với điều kiện đa số các nước EU đồng ý.
Giá khí đốt hôm 26-7 tăng vọt lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3 và cao hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trừ khi tình hình thay đổi đáng kể, các nhà phân tích cảnh báo một mùa đông khó khăn đang chờ châu Âu.
Báo cáo của tổ chức tài chính S&P Global Market Intelligence (Mỹ) cuối tuần qua nhận định: "Chi phí năng lượng cao đang đẩy Tây Âu vào suy thoái. Dự báo tháng 7 của chúng tôi đã kết hợp với mức giảm nhẹ của GDP trong quý II/2022 ở Anh, Ý, Tây Ban Nha và Hà Lan. Với mức lạm phát tăng vọt, các ngân hàng trung ương đang tăng tốc thắt chặt chính sách tiền tệ. Sự phục hồi của ngành du lịch và dịch vụ tiêu dùng có thể giúp kinh tế khu vực này tăng nhẹ trong quý III, song quý IV sẽ lại suy giảm do nguồn cung năng lượng không đáng tin cậy".
Một nhân viên kiểm tra hệ thống tại kho khí đốt gần thị trấn Kraiburg am Inn, bang Bavaria - Đức hồi tháng 6. Ảnh: REUTERS
Đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga, vấn đề của châu Âu giờ đây không chỉ là giảm tiêu thụ mà còn phải tìm cách lấp đầy các kho dự trữ, tìm nguồn cung thay thế.
Công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie (Anh) nhận định khi lượng khí đốt chuyển qua Nord Stream 1 chỉ còn 20% công suất, châu Âu chỉ có thể lấp đầy 75%-80% các kho chứa trước mùa đông, đồng nghĩa với việc dự trữ khí đốt sau mùa đông sẽ còn rất ít, khoảng 20%. Khi đó, giá năng lượng trên thị trường thế giới sẽ tăng vọt.
Hồi tháng 3 năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cam kết giúp châu Âu bảo đảm nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) thay thế cho khí đốt từ Nga. Theo Reuters, Mỹ đang trên đà vượt qua cam kết trên - cung cấp thêm 15 tỉ m3 LNG cho châu Âu trong năm nay - và có thể đạt mức gấp 3 lần cam kết (tức khoảng 45 tỉ m3). Tuy nhiên, lượng LNG này vẫn chưa đủ bù đắp cho nguồn cung thiếu hụt từ Nga, đồng thời đang khiến thị trường năng lượng thế giới mất cân đối.
Theo đài CNN, để xoa dịu mối lo ngại của EU, Nhà Trắng đã cử ông Amos Hochstein, điều phối viên về năng lượng toàn cầu, đến châu Âu hôm 26-7. Các quan chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Biden đang nỗ lực duy trì sự đoàn kết của các đồng minh châu Âu.
Một quan chức Mỹ cho rằng đây là nỗi sợ lớn nhất của Mỹ và hệ quả mà châu Âu gánh chịu sẽ có tác động ngược trở lại Mỹ, làm tăng giá khí đốt và giá điện. Theo đài CNBC, giá đồng euro giảm trong phiên giao dịch hôm 27-7 (giờ địa phương) do ảnh hưởng từ việc Nga siết nguồn cung khí đốt trong khi đồng USD tiếp tục giữ giá trước phiên họp thông báo tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cùng ngày.
Bình luận (0)