Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) - đơn vị vận hành Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi gặp sự cố ở Nhật Bản – hôm 27-3 cho biết hàm lượng phóng xạ trong nước rò rỉ từ lò phản ứng số 2 cao hơn 10 triệu lần mức thông thường, buộc các công nhân ở đó tạm thời phải sơ tán. Tuy nhiên, sau đó, công ty này thông báo con số khổng lồ trên là do nhầm lẫn và đưa ra lời xin lỗi.
Ưu tiên đưa nước phóng xạ khỏi lò
Trong khi đó, mức phóng xạ trong không khí ở lò số 2 vào sáng 27-3 là 1.000 millisievert/giờ, cao gấp 4 lần mức được xem là an toàn. Một quan chức của TEPCO cho biết nhiều khả năng các thanh nhiên liệu của lò phản ứng này đang bị phá hủy.
Các công nhân làm việc tại phòng điều khiển của lò phản ứng số 2 hôm 26-3 Ảnh: REUTERS
Dữ liệu cũng cho thấy bể nước tại các lò phản ứng số 1, 2, 3, 4 đều nhiễm xạ. TEPCO đang nỗ lực đưa nước phóng xạ khỏi 4 lò phản ứng này và tìm một nơi an toàn để chứa hoặc xử lý chúng.
Cơ quan An toàn hạt nhân Nhật Bản xem công việc này là ưu tiên hàng đầu hiện nay do mức phóng xạ bên trong các lò phản ứng đang tăng nhanh chóng. Ông Hidehiko Nishiyama, người phát ngôn cơ quan này, cho biết sẽ có thêm 2 máy bơm được bổ sung để giúp đẩy nhanh tiến trình đưa nước phóng xạ ra ngoài lò.
Tình trạng nước nhiễm xạ trong nhà máy đã thu hút nhiều sự chú ý sau khi 3 công nhân làm việc tại lò phản ứng số 3 bị thương vì tiếp xúc với nước nhiễm xạ cao ở đó. Theo hãng tin AP, khoảng 600 người đang làm việc theo ca bên trong nhà máy.
Càng khiến tình hình thêm nghiêm trọng là mức độ nhiễm xạ gia tăng tại vùng biển gần nhà máy. Theo hãng tin Reuters, kết quả khảo sát đối với nước biển ở khu vực gần nhà máy cũng cho thấy hàm lượng phóng xạ iốt đo được trong ngày 26-3 cao gấp 1.850 lần so với mức cho phép, trong khi số liệu ghi nhận trước đó một ngày là 1.250 lần.
Tokyo trấn an các nước
Trả lời phỏng vấn của báo The New York Times (Mỹ) hôm 26-3, ông Yukiya Amano, Tổng Giám đốc Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế, cho rằng sự cố này tại nhà máy còn lâu mới kết thúc. Theo ông Amano, nỗ lực khắc phục sự cố này đã đạt được một số kết quả tích cực, như việc khôi phục điện cho nhà máy, nhưng nhà chức trách cần có nhiều nỗ lực hơn để chấm dứt tai nạn này.
Cuộc khủng hoảng hạt nhân kéo dài đã gây ra những lo ngại về mức độ an toàn của nước và thực phẩm ở Nhật Bản. Nhiều nước tuyên bố hạn chế nhập khẩu nông sản và các sản phẩm từ sữa của Nhật Bản do lo ngại nhiễm phóng xạ.
Dù vậy, theo hãng tin Kyodo, Nhật Bản dự kiến sẽ đề nghị các nước thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới không “phản ứng thái quá” trước sự cố hạt nhân ở nước này tại cuộc họp vào ngày 29-3. Tokyo khẳng định các mặt hàng của nước này không chứa hàm lượng phóng xạ vượt quá mức cho phép theo tiêu chuẩn quốc tế.
Một nỗi lo khác đến từ mây phóng xạ xuất phát từ Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Nhà chức trách ở miền Đông Bắc Trung Quốc hôm 26-3 cho biết đã phát hiện mức phóng xạ cực kỳ thấp trong không khí mà họ cho là đến từ nhà máy này. Tuy nhiên, Bộ Môi trường Trung Quốc cho rằng người dân không cần phải thực hiện các biện pháp bảo vệ.
Tại Mỹ, lượng phóng xạ cực nhỏ từ nhà máy đã đến thành phố Las Vegas hôm 26-3 nhưng các nhà khoa học cho biết nó không đe dọa sức khỏe con người.
Bình luận (0)