Theo công bố của nhà nghiên cứu Lauren Culler thuộc trường ĐH Dartmouth (Mỹ) trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B Biological Sciences mới đây, việc tăng đáng kể dân số của muỗi Bắc Cực đe dọa loài tuần lộc caribou - vốn là đối tượng hút máu của chúng. Bà Lauren Culler cho rằng xác suất sống sót và xuất hiện của muỗi khi chúng trưởng thành sẽ tăng 52% nếu nhiệt độ Bắc Cực tăng lên 2°C.
Phát hiện này rất quan trọng vì thay đổi về thời gian và mật độ xuất hiện của chúng sẽ gây những tác động đáng lo ngại. Chúng là loài thụ phấn cho thực vật vùng lãnh nguyên và là thức ăn cho các loài khác, bao gồm chim Bắc Cực và chim di cư. Ngoài ra loài muỗi này cũng gây bệnh cho người và động vật hoang dã.
Theo bà Culler, “loài muỗi này hoạt động ở bất cứ buổi nào trong ngày. Nếu lưu trú ở Bắc Cực vào mùa của chúng, sẽ chứng kiến cảnh hàng trăm con "thèm thuồng bữa tiệc máu thịnh soạn”.
Biến đổi khí hậu đang làm tăng cao nhiệt độ toàn cầu, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh lý, tốc độ tăng trưởng và tỉ lệ sống sót của côn trùng, trong đó có cả khả năng trốn tránh kẻ thù của chúng. Nhiệt độ trung bình ở Bắc Cực tăng gấp đôi so với tốc độ toàn cầu trong vòng 100 năm qua, cùng với sự đa dạng sinh học thấp của hệ sinh thái Bắc Cực dẫn đến sự tương tác khá đơn giản giữa động vật ăn thịt và con mồi của chúng trong nghiên cứu nêu trên. Muỗi Bắc cực phát triển trong các ao tuyết tan tạm thời vào mùa xuân và những kẻ ăn thịt chúng hàng đầu là những con bọ lặn trong nước.
“Đi cùng với chuyện “dân cư” muỗi nhiều lên, việc mở rộng phạm vi về phía Bắc của các loài vật gây hại khác, sẽ còn nhiều hậu quả tiêu cực đến sức khỏe và sinh sản của tuần lộc caribou” - bà Lauren Culler nhận định.
Các nhà khoa học cảnh báo biến đổi khí hậu không chỉ tác động đến tuần lộc như đã kể trên. Tại bang California – Mỹ, các chuyên gia cho biết hạn hán lịch sử dẫn đến quá nhiều ca tử vong do virus West Nile lây lan qua muỗi.
Bình luận (0)