Từng là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, nước Anh lại đang công khai lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh với Iran.
Một tướng người Anh thậm chí còn nhận định "không có sự gia tăng đe dọa nào từ các lực lượng được Iran hậu thuẫn ở Iraq hoặc Syria", trái với tuyên bố của Mỹ.
Pháp và Đức cũng thúc giục Mỹ không leo thang căng thẳng hơn nữa liên quan đến thỏa thuận hạt nhân của Iran.
Trong khi đó, Tây Ban Nha hôm 14-5 thông báo rút tàu khu trục Mendez Nunez của mình ra khỏi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ đang đến vùng Vịnh.
Lý do được đưa ra là "Chính phủ Mỹ đã có một quyết định nằm bên ngoài khuôn khổ những gì đã nhất trí với Hải quân Tây Ban Nha". Trước đó, tàu này gia nhập nhóm tác chiến tàu sân bay nói trên để tham gia một cuộc tập trận.
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln được Mỹ điều đến Trung Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ
Trước đó một ngày, bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nên theo đuổi chính sách "kiềm chế tối đa, tránh leo thang về mặt quân sự".
Các đồng minh truyền thống của Mỹ, như Úc và Canada vẫn chưa lên tiếng. Ngay cả các nước Ả Rập từng công khai chống đối Iran, như Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, vẫn tỏ ra dè dặt.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có lẽ là nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới công khai hoan nghênh chính quyền ông Trump có lập trường cứng rắn đối với Iran.
Vào tuần rồi, Mỹ triển khai tàu chiến và máy bay ném bom đến Trung Đông để ngăn chặn điều mà Washington xem là các mối đe dọa của Iran.
Tàu khu trục Mendez Nunez. Ảnh: Reuters
Nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ lo ngại về những rủi ro của một cuộc xung đột khác tại Trung Đông. Bà Ellie Geranmayeh, chuyên gia của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, nhận định các nước châu Âu nghĩ rằng “Mỹ đang ngồi ở phía bên kia đại dương, trong khi chúng ta ở ngay ngưỡng cửa Trung Đông”.
Washington từng sẵn sàng đi ngược lại làn sóng dư luận về chính sách đối ngoại. Chẳng hạn như Mỹ tấn công Iraq năm 2003 mà không có sự hậu thuẫn của Liên Hiệp Quốc và sau đó bị Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan chỉ trích là "hành động phi pháp".
Vấn đề là trong cuộc chiến đó, Mỹ ít ra vẫn nhận được sự ủng hộ từ phía một số đồng minh. Anh, Úc, Ba Lan... vẫn gửi quân tham gia trong lúc một số nước khác ủng hộ về mặt chính trị.
"Lần này, người Mỹ đang thật sự vật lộn với việc thuyết phục Anh ủng hộ mình" - bà Ellie Geranmayeh nhận định.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt tại cuộc gặp ở Brussels - Bỉ hôm 13-5. Ảnh: Reuters
Một số nhà phân tích cho rằng thông tin Mỹ có thể triển khai số lượng binh sĩ đáng kể đến Trung Đông (con số có thể lên đến 120.000 người, theo báo The New York Times) là một phần chiến dịch gây sức ép lên Iran. Nhưng ngay cả các đồng minh của Washington cũng xem đây là đề xuất đầy rủi ro.
Chính quyền ông Trump đã dành gần 2 năm thuyết phục châu Âu tham gia chiến dịch gây sức ép tối đa lên Tehran nhưng các nước tại châu lục này nhìn chung vẫn đang giữ khoảng cách với chính sách Iran của Mỹ.
Bình luận (0)