Người đứng đầu dự án tình báo tại Viện Brookings, đồng thời là cựu quan chức CIA Bruce Riedel, cho rằng Mỹ và Ả Rập Saudi đang có “một cuộc hôn nhân không hạnh phúc do nhiều vấn đề khác biệt nhưng họ lại không muốn ly dị”.
Trong mớ bùi nhùi này, hoặc quan hệ 2 nước được cải thiện theo chiều hướng tốt lên hoặc 2 bên sẽ bị mắc kẹt và đẩy quan hệ theo hướng tồi tệ đi.
Bất đồng chồng chất
Ả Rập Saudi còn rất ít lòng tin vào cam kết của Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với vấn đề an ninh của họ. Riyadh không giấu được nỗi lo ông Obama sẽ chuyển sự quan tâm của Mỹ sang kẻ thù Iran.
Tổng thống Obama từng mô tả Ả Rập Saudi là "có thể coi như đồng minh” và than phiền chính sách của Riyadh gây thêm hỗn loạn ở khu vực Trung Đông cũng như đổ dầu vào các hành động khủng bố chống Mỹ.
Quốc hội Mỹ cũng đang thảo luận đề xuất hạn chế bán vũ khí cho Ả Rập Saudi, phơi bày sự dính líu của vương quốc này liên quan tới vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.
Giữa thời điểm Washington đẩy mạnh khai thác năng lượng trong nước để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu ở nước ngoài, quan hệ giữa Mỹ và vương quốc giàu dầu mỏ càng trở nên chênh vênh. Thêm vào đó, 2 nước đang bất đồng về hàng loạt vấn đề, bao gồm các phương pháp tiếp cận cuộc nội chiến Syria, thỏa thuận hạt nhân Iran và ảnh hưởng của Tehran tại Iraq.
Hẳn Ả Rập Saudi vẫn chưa nguôi ngoai vụ Mỹ ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm ngoái, qua đó dỡ bỏ lệnh trừng phạt kéo dài nhiều năm trời đối với kẻ thù không đội trời chung của Riyadh. Cuộc tiếp đón hờ hững của Ả Rập Saudi nhân dịp Tổng thống Obama ghé thăm vương quốc hôm 20-4 là bằng chứng rõ nhất cho thấy Riyadh vẫn nuôi bất mãn trong tim.
Đặc biệt, Quốc hội Mỹ đang thảo luận dự luật cho phép gia đình các nạn nhân vụ 11-9-2001 khởi kiện công dân nước ngoài bị cáo buộc hỗ trợ cho những kẻ tấn công khủng bố, trong bối cảnh một số quan chức Ả Rập Saudi bị tố tài trợ kinh phí cho những kẻ liên quan tới vụ tấn công nói trên.
Tuy nhiên, Nhà Trắng đang vận động chống lại dự luật. Tổng thống Obama lo ngại nếu dự luật thông qua, chính phủ Mỹ sẽ bị “kiện dài dài”. Riyadh cũng phản đối bằng tuyên bố sẽ bán toàn bộ tài sản trị giá 750 tỉ USD do họ quản lý ở Mỹ.
Vẫn cần nhau
Theo đài CNN, chuyên gia Fawaz Gerges về quan hệ Hồi giáo – phương Tây tại Trường Kinh tế London, nói rõ hơn về sự “ghẻ lạnh” của Ả Rập Saudi dành cho Mỹ nhưng khẳng định sự “ghẻ lạnh” đó không đủ chấm dứt sự can thiệp của Washington vào Trung Đông.
“Hai nước vẫn gắn kết về quân sự, thương mại, một cuộc chiến chống khủng bố chung, tận dụng sức mạnh ngoại giao của nhau và đặc biệt Mỹ cần đảm bảo dòng chảy nhiên liệu tự do trên toàn thế giới, trong đó Ả Rập Saudi đóng vai trò không nhỏ”” – chuyên gia Gerges cho biết.
Ngoài ra, không thể kể đến "công lao" của Riyadh khi tài trợ cho quá trình ổn định ở các nước đồng minh chính của Mỹ bao gồm Ai Cập, Bahrain và Jordan. “Vương quốc dầu mỏ” cũng phát triển mối quan hệ mạnh mẽ hơn với một trong những kẻ thù lâu năm của mình, Israel – đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực.
Chuyên gia David Ottaway của Trung tâm Wilson, nhận định cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở Trung Đông không thể giành chiến thắng mà không cần sự giúp đỡ của Ả Rập Saudi.
Theo Hoàng tử Turki Al-Faisal, cựu giám đốc cơ quan tình báo Ả Rập Saudi, sợi dây bền chặt nhất, cũng là động lực giúp quan hệ Mỹ - Ả Rập Saudi tồn tại đến bây giờ là cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria.
Không khó hiểu khi Riyadh đang mong chờ thời khắc Tổng thống Obama rời khỏi Nhà Trắng để người kế nhiệm, có thể là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton hoặc tỉ phú Donald Trump, làm sống lại mối quan hệ đồng minh kéo dài 71 năm giữa 2 nước.
Bình luận (0)