Mỹ huy động lực lượng cực kỳ hùng hậu cho cuộc tập trận kéo dài 1 tuần với 7.000 binh sĩ, tàu sân bay USS George Washington, 2 tàu khu trục USS Shiloh và John S McCain, tàu ngầm hạt nhân USS Columbus, máy bay P-3 OrionBSE và trực thăng MH-60R.
Ấn Độ cử 3 chiến hạm vừa trở về từ cuộc tập trận với Nga ở Vladivostok - bao gồm INS Ranvijay, Shivalik và tàu tiếp liệu INS Shakti - cùng 700-800 binh sĩ.
Trong khi đó, Nhật điều hàng trăm binh sĩ cùng 2 tàu hộ tống, máy bay tìm kiếm - cứu hộ US-2 và máy bay tuần tra P3C.
Lần gần nhất Nhật Bản góp mặt vào cuộc tập trận song phương Malabar là năm 2009
Ảnh: Hải quân Mỹ
Lầu Năm Góc khẳng định cuộc tập trận không nhằm kiềm chế Trung Quốc mà chỉ để tăng cường sự hiện diện của hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương cũng như thắt chặt mối quan hệ đồng minh. Lần gần nhất Nhật góp mặt vào cuộc tập trận song phương này là năm 2009. Trước đó, Bắc Kinh từng phản ứng gay gắt khi Nhật, Úc và Singapore có mặt tại Malabar hồi năm 2007.
Giới phân tích Ấn Độ cho rằng quyết định mời Nhật tham gia cuộc tập trận phản ánh sự tự tin và mạnh mẽ hơn trong chính sách hàng hải của New Delhi.
Báo The Wall Street Journal dẫn lời cựu quan chức hải quân Ấn Độ Uday Bhaskar, hiện là chuyên gia Hiệp hội Nghiên cứu chính sách Ấn Độ (SPS), nhận định: “Đây là sự phản ánh môi trường chiến lược mới, nơi Ấn Độ tìm cách xây dựng năng lực tập thể để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc”.
Bình luận (0)