Kết thúc chuyến thăm Ấn Độ ngày 27-1, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Mỹ có thể trở thành đối tác tốt nhất của nước chủ nhà.
Ông Obama tin tưởng quan hệ đối tác Mỹ - Ấn sẽ góp phần củng cố an ninh thế giới, đồng thời nhấn mạnh 2 nước cần nỗ lực cho chương trình nghị sự toàn cầu. Theo đài BBC, khoảng 2.000 người - đa số là sinh viên - nhiệt liệt hoan nghênh khi Tổng thống Obama miêu tả quan hệ Mỹ - Ấn là quan hệ đối tác của thế kỷ XXI.
Ông chủ Nhà Trắng lên tiếng ủng hộ New Delhi trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Về phần mình, theo báo The Time of India, Ấn Độ sẵn sàng gia nhập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Mỹ cam kết tạo điều kiện để Ấn Độ làm thành viên APEC. Tổng thống Mỹ còn nhận định Ấn Độ có thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và hứa hẹn giúp New Delhi đối phó với tình trạng ấm lên toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay cử tọa sau khi phát biểu tại New Delhi - Ấn Độ hôm 27-1
Ảnh: REUTERS
Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn ra tuyên bố chung chỉ trích Trung Quốc tìm cách sử dụng vũ lực và đe dọa nhằm thiết lập quyền kiểm soát trên biển Đông. “Mỹ hoan nghênh Ấn Độ thể hiện vai trò lớn hơn tại châu Á - Thái Bình Dương, nơi tự do hàng hải phải được bảo đảm và các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình” - Tổng thống Obama khẳng định.
Nhận xét về mối quan hệ Mỹ - Ấn, nhật báo Dawn của Pakistan bình luận là “dường như đầy nụ cười và cơ hội”. Lo ngại sự thân thiết này, trong công điện gửi nhân Ngày Cộng hòa Ấn Độ (26-1), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc nhở New Delhi không rơi vào “cái bẫy vô bổ” do Washington và đồng minh lập ra.
Ngoài ra, phản ứng lại tuyên bố chung Ấn - Mỹ nói trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các tranh chấp nên được các bên liên quan trực tiếp giải quyết thông qua đối thoại hòa bình, đồng thời cảnh báo “các nước ngoài cuộc” không nên gây ra rắc rối. Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng các nước bên ngoài có thể đóng vai trò xây dựng về vấn đề biển Đông, cùng hợp tác để duy trì tình hình tốt đẹp, không gây rắc rối”.
Trong nỗ lực tìm kiếm đồng minh để làm đối trọng với Mỹ - Ấn, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cam kết hoàn toàn ủng hộ Pakistan khi đón tiếp tướng tư lệnh quân đội Raheel Sharif ở Bắc Kinh ngày 27-1. Theo ông Vương Nghị, Bắc Kinh xem Islamabad là người bạn không thể thay thế trong mọi điều kiện và 2 nước có cùng vận mệnh.
Mỹ và Ấn Độ đang gây sức ép buộc Pakistan không cho phép khủng bố lẩn trốn trên lãnh thổ nước này. Cả 2 nước trên đều kêu gọi Pakistan cấm tiệt các nhóm khủng bố như Lashkar-e-Taiba và Jamaat-ud-Dawah - vốn tự nhận là tổ chức từ thiện. Đứng đầu Jamaat-ud-Dawah là Hafiz Saeed, kẻ bị Ấn Độ quy trách nhiệm trong vụ tấn công Mumbai năm 2008 làm chết 166 người.
Xây căn cứ quân sự gần Nhật Bản
Các tấm ảnh vệ tinh mới công bố gần như xác nhận việc Trung Quốc đang xây căn cứ quân sự gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc quản lý của Nhật Bản. Theo tạp chí The National Interest (Mỹ), động thái này có thể là đòn đáp trả sau khi Tokyo thông báo kế hoạch xây trạm radar trên đảo Yonaguni, cách Senkaku 150 km, vào tháng 4-2014.
Tuần trước, tạp chí quân sự IHS Janes’s đăng ảnh vệ tinh chụp hồi tháng 10-2014 của Công ty Quốc phòng và Không gian Airbus, theo đó cho thấy Trung Quốc đang xây 1 sân bay mới với 10 bãi đáp trực thăng và tua-bin gió trên đảo Nanji (Nam Kỷ), ngoài khơi tỉnh Chiết Giang và cách Senkaku/Điếu Ngư 300 km. Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) vào cuối tháng trước cũng đưa tin “một số cơ sở radar lớn đã được xây trên đảo Nanji”. Khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân khẳng định thông tin này chỉ là sự cường điệu của giới truyền thông.
Một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc thừa nhận với hãng tin Bloomberg rằng quân đội nước này đã điều động một lực lượng nhỏ đến đảo Nanji và có thể tăng thêm người trong thời gian tới.
Huệ Bình
Bình luận (0)