"Những tuyên bố của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi của phần lớn biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp. Chiến dịch bắt nạt để kiểm soát các nguồn tài nguyên này của họ cũng vậy" – ông Pompeo nói.
Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, Washington bác những yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển ngoài khu vực 12 hải lý từ những hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Bên cạnh đó, Washington còn bác yêu sách của Bắc Kinh đối với bãi cạn James, cách Malaysia khoảng 50 hải lý.
"Mọi hành động của Trung Quốc nhằm quấy phá hoạt động đánh bắt hải sản hoặc khai thác dầu khí của những quốc gia khác trong những vùng biển này – hoặc đơn phương tiến hành những động thái này – đều là bất hợp pháp. Thế giới sẽ không để Bắc Kinh xem biển Đông là đế chế hàng hải của họ" – Ngoại trưởng Pompeo khẳng định.
Ngoại trưởng Mike Pompeo. Ảnh: Reuters
"Mỹ đứng về phía các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á trong việc bảo vệ chủ quyền đối với những nguồn tài nguyên ngoài khơi một cách phù hợp với quyền lợi của họ, cũng như luật pháp quốc tế. Chúng tôi đứng về phía cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ tự do hàng hải; tôn trọng chủ quyền và bác bỏ mọi nỗ lực tạo ra quyền lợi phi pháp trên biển Đông hay khu vực rộng lớn hơn" – ông Pompeo nói thêm.
Trước đó, vào ngày 2-7, Bộ Quốc phòng Mỹ đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tập trận trên biển Đông, nói rằng động thái này sẽ khiến tình hình thêm phức tạp.
"Tiến hành các cuộc tập trận quân sự như vậy trên biển Đông đang phản tác dụng những nỗ lực xuống thang căng thẳng và duy trì ổn định" – Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố, sau khi trung Quốc thông báo kế hoạch tập trận 5 ngày, bắt đầu vào ngày 1-7, gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tàu sân bay Mỹ Ronald Reagan và USS Nimitz Carrier trong một chiến dịch trên biển Đông hôm 6-7. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)