Ông Robert Menendez, nghị sỹ hàng đầu của đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, xác nhận chính quyền ông Trump đã thông báo với quốc hội về quyết định trên. Mỹ cũng đã gửi quyết định rút khỏi WHO lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và sẽ có hiệu lực từ ngày 6-7-2021.
Ông Menendez viết trên mạng Twitter: "Gọi cách đối phó với dịch Covid-19 của chính quyền Trump là hỗn loạn và nhảm nhí vẫn chưa đủ. Quyết định này sẽ không thể bảo vệ mạng sống hay lợi ích của người dân Mỹ. Nó sẽ khiến người dân Mỹ bị bệnh và nước Mỹ bị cô lập".
Trong khi đó, người phát ngôn của Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric cho biết điều kiện rút khỏi WHO bao gồm báo trước một năm và hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính.
Tổng thống Mỹ Donald Trump kích hoạt quá trình rời khỏi WHO. Ảnh: Reuters
Người này nói: "Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đang trong quá trình xác minh với WHO xem liệu tất cả điều kiện cho việc rút khỏi tổ chức có được đáp ứng hay không". Các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là ở châu Âu, đã bày tỏ lo ngại về việc Mỹ rút khỏi WHO và ngưng đóng góp về mặt tài chính do vai trò áp đảo của Washington trong việc tài trợ cho tổ chức này.
Trong khi đó, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, người đang nắm ưu thế trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, cam kết sẽ đưa Mỹ trở lại WHO nếu đắc cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Đề cập đến quá trình Mỹ rút khỏi WHO kéo dài 1 năm, một nhà ngoại giao của Liên Hiệpp Quốc nói với CNN hôm 7-7: "Bất kỳ điều gì cũng có thể đảo ngược vào năm sau vì đây chưa phải là kết quả cuối cùng".
Nhà lãnh đạo Mỹ hồi tháng 5 từng tuyên bố chính quyền của ông sẽ rút Mỹ khỏi WHO sau khi cáo buộc tổ chức này thiên vị Trung Quốc và chậm trễ trong việc đối phó đại dịch Covid-19. Ông Trump khi đó cũng tuyên bố ngừng tài trợ cho WHO. Quyết định này đã vấp phải nhiều chỉ trích khi một số ý kiến cho rằng ngừng tài trợ WHO là động thái nguy hiểm giữa lúc đại dịch bùng phát mạnh. Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho WHO với khoản tài trợ lên đến 400 triệu USD/năm.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong do dịch Covid-19 tại Mỹ được ghi nhận lần lượt khoảng 3 triệu ca và ít nhất 133.000 trường hợp. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm và tử vong do dịch Covid-19 trên toàn cầu là gần 12 triệu và hơn 545.000 tính đến hôm 8-7.
Bình luận (0)