"Mọi người cần phải thức tỉnh. Dữ liệu không nói dối. Tình hình thực tế không nói dối" - ông Michael Ryan, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO, kêu gọi.
Cảnh báo trên được đưa ra đúng vào ngày số ca Covid-19 trên thế giới vượt mức 11 triệu - theo thống kê của Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ). Diễn biến này đánh dấu một cột mốc buồn khác về sự lây lan của dịch bệnh đã khiến hơn nửa triệu người tử vong trên thế giới trong 7 tháng qua.
Theo Reuters, một số nước đang chứng kiến sự gia tăng trở lại của các ca nhiễm, buộc các nhà chức trách khôi phục một phần các biện pháp phong tỏa. Trong số này, tình trạng tại Mỹ đang gây nhiều lo lắng khi số người mắc Covid-19 mới hằng ngày liên tục đạt mức cao, mới nhất là con số 53.483 hôm 3-7.
Đáng chú ý, số ca Covid-19 mới hằng ngày đã tăng lên mức cao kỷ lục tại các bang Alabama, Alaska, Idaho, Mississippi, Bắc Carolina, Nam Carolina và Tennessee. Riêng chính quyền hạt Miami-Dade ở bang Florida đã áp đặt lệnh giới nghiêm vô thời hạn vào ban đêm, đồng thời ngưng mở cửa lại các điểm vui chơi giải trí.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 từ một bé gái tại TP Kolkata - Ấn Độ hôm 3-7 Ảnh: Reuters
Tình hình tại Ấn Độ cũng đáng lo không kém khi số ca Covid-19 mới trong ngày đạt mức cao kỷ lục hôm 4-7 (trên 22.000 người). Số ca Covid-19 tăng mạnh tại các khu vực ở miền Tây và Nam đang chịu cảnh mưa lũ. Quốc gia Nam Á này hiện có số ca Covid-19 cao thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Brazil và Nga.
Trong bối cảnh đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 3-7 hy vọng các cuộc thử nghiệm lâm sàng về những loại thuốc tiềm tàng dùng điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ cho kết quả ban đầu trong vòng 2 tuần nữa.
Ngoài ra, một nhóm chuyên gia WHO dự kiến đến Trung Quốc vào tuần sau để điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 và cách thức lây lan sang con người. Trả lời phỏng vấn hãng tin ANI (Ấn Độ), bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của WHO, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải "điều tra thấu đáo" về vấn đề này.
Theo thông tin cập nhật vừa được WHO công bố, cơ quan Liên Hiệp Quốc này cho biết lần đầu tiên họ nhận được thông tin về các ca viêm phổi lạ tại TP Vũ Hán từ văn phòng mình ở Trung Quốc hôm 31-12-2019. Sau đó, WHO đã 2 lần yêu cầu Bắc Kinh cung cấp thông tin về dịch bệnh trong các ngày 1 và 2-1-2020. Đến ngày 3-1, WHO nhận được thông tin từ Trung Quốc.
Bình luận (0)