Chiếc UAV mới có tên gọi RQ-180, đang trong giai đoạn thử nghiệm tại căn cứ không quân bí mật Groom Lake ở bang Nevada, còn được gọi là “Vùng 51” khét tiếng - nơi không quân Mỹ đã thử nghiệm chiếc máy bay do thám U2 vào cuối những năm 1950.
RQ-180 do công ty Northrop Grumann thiết kế và lắp ráp. Công ty này từng chế tạo 2 chiếc UAV do thám khác là Global Hawk và X-47B cho không quân Mỹ.
Mẫu UAV tàng hình RQ-180 mới của Không quân Mỹ. Ảnh: Aviation Week
Theo Aviation Week, Northrop Grumann đã đạt được một hợp đồng bí mật trị giá 2 tỉ USD năm 2008 để phát triển các loại UAV mới. Hình ảnh phác họa RQ-180 đăng trên trang bìa tạp chí khá giống với chiếc X-47B ở hình dạng “cánh dơi”.
Được phát triển cho các cơ quan tình báo, RQ-180 có khả năng trinh sát và giám sát mục tiêu đồng thời thực hiện nhiệm vụ tác chiến điện tử trong các trường hợp khẩn cấp. RQ-180 có thể bay liên tục 24 giờ với quãng đường bay khoảng 2.000 km. Cũng theo Aviation Week, RQ-180 mới vượt trội so với RQ-170 Sentinel có tầm hoạt động ngắn, nhỏ và tàng hình kém hơn.
Trước đây, không quân Mỹ sử dụng các UAV Reapers và Global Hawks trong cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq nhưng không hiệu quả do hệ thống phòng phủ chống máy bay của đối phương quá mạnh mẽ. Hiện tại, họ chuyển dần sang UAV tàng hình để an toàn hơn.
UAV của Hải quân Mỹ phóng từ tàu ngầm. Ảnh: US Navy
Trong một diễn biến khác, phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân Mỹ (NRL) mới đây đã phóng thành công UAV từ ống phóng ngư lôi của tàu ngầm. Hệ thống này có tên gọi XFC, hoạt động dựa trên thiết bị khởi động Sea Robin - tương tự như cách triển khai tên lửa hành trình Tomahawk của Hải quân Mỹ.
Các UAV được phóng theo phương thẳng đứng từ tàu ngầm USS Providence (SSN 719) trong khi nó vẫn đang lặn ở dưới mặt nước.
Tiến sĩ Warren Schultz, quản lý và phát triển chương trình của NRL, cho biết dự án XFC phải mất 6 năm mới hoàn thành và được tài trợ bởi tập đoàn SwampWorks do Văn phòng Nghiên cứu Hải quân và Phòng Công nghệ phản ứng nhanh của Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất.
Bình luận (0)