Trong cuộc họp báo, tướng 3 sao Mỹ nhấn mạnh: "Chúng tôi cam kết 100% sẽ giúp Nhật Bản giải quyết tình hình ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hỗ trợ suốt 365 ngày trong năm, 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần". Ông Schneider cho biết Mỹ có thể giúp theo dõi các hoạt động xâm nhập của các tàu Trung Quốc quanh các đảo trên biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát.
Tướng Schneider cam kết hỗ trợ cho Nhật Bản (vốn coi Mỹ là đồng minh quân sự duy nhất của mình) sau khi cảnh báo rằng nước này có thể phải đối mặt với áp lực không nhỏ do lệnh cấm đánh bắt cá theo mùa của Trung Quốc đơn phương áp đặt hết hiệu lực vào tháng 8.
Lính Mỹ theo dõi tàu Hải quân Hoàng gia Úc và tàu thuộc Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản ở biển Đông vào ngày 21-7. Ảnh: Hải quân Mỹ
Theo tướng Schneider, các tàu cá Trung Quốc, dưới sự hộ tống của hải cảnh và hải quân Trung Quốc, sẽ ồ ạt tiến vào vùng biển Senkaku/Điếu Ngư. Những đội tàu này sẽ nhận được sự hỗ trợ và bảo vệ của tàu hải cảnh, hải quân Trung Quốc.
Vị chỉ huy quân đội Mỹ tại Nhật Bản cho rằng nguy cơ không chỉ đến từ hải cảnh mà còn từ đội tàu cá của Trung Quốc, trong số đó có những tàu thuộc lực lượng dân quân biển.
"Đó là một thách thức thực sự đối với chính quyền Nhật Bản" - tướng Schneider nói và gọi các hành động của Trung Quốc là "hung hăng" ở cả biển Đông và biển Hoa Đông. Ông Schneider nói rõ: "Ở biển Đông, họ tiếp tục bắt nạt các đối tác, láng giềng và những bên có yêu sách chính đáng đối với lãnh thổ".
Tuyên bố của ông Schneider lần nữa nhấn mạnh tuyên bố Washington đưa ra hồi đầu giữa tháng 7 về lập trường của Mỹ ở biển Đông. Khi đó Mỹ khẳng định các tuyên bố của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp.
Sau tuyên bố của tướng Schneider hôm 29-7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các đảo mà Mỹ đề cập là lãnh thổ của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các bên đóng góp trách nhiệm cho ổn định khu vực.
Theo Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản, tần suất các tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng biển Senkaku/Điếu Ngư ngày càng tăng. Ảnh: Bloomberg
Trung Quốc thường xuyên đưa tàu tiến vào vùng biển gần quần đảo mà nước này gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Quần đảo không người này hiện do Nhật Bản kiểm soát với tên gọi Senkaku. Mỹ không phải là bên có tranh chấp chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng khẳng định sẽ giúp đồng minh Tokyo chống lại bất cứ cuộc tấn công nào.
Theo Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản, tần suất các tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng biển Senkaku/Điếu Ngư ngày càng tăng trong 2 năm gần đây. Riêng năm 2019, Nhật đã ghi nhận tổng cộng 1.097 vụ xâm nhập vùng nước xung quanh Senkaku của tàu Trung Quốc, trong đó có 126 lần các tàu này tiến vào vùng nước 12 hải lý xung quanh Senkaku/Điếu Ngư.
Bình luận (0)