Tokyo cho biết con tàu khảo sát nói trên bị phát hiện khi đang kéo cáp từ đuôi tàu, tàu đã hoạt động trên khu vực Okinotorishima mà không có sự chấp thuận của chính phủ Nhật Bản kể từ ngày 9-7.
Theo đài NHK, trong vòng 10 năm qua, đây là quãng thời gian dài nhất mà tàu Trung Quốc hoạt động trên vùng biển này khi không có sự cho phép của chính phủ Nhật Bản.
Nhật Bản đã lên án hành động này thông qua các kênh ngoại giao.
Hôm 16-7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ nhận định cho rằng Okinotorishima, cách Tokyo khoảng 1.740 km về phía Nam, là một hòn đảo. Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), việc đồng thuận trước là cần thiết để có thể tiến hành các khảo sát trên vùng đặc quyền kinh tế của một nước khác.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: "Theo UNCLOS, Okinotori không phải là một đảo mà là đá nên không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tuyên bố đơn phương của Nhật Bản không có cơ sở pháp lý".
Bà nói thêm: "Con tàu khảo sát trên được quyền tự do nghiên cứu khoa học trong vùng biển này và không cần bất kỳ sự chấp thuận nào từ phía Nhật Bản".
Tàu khảo sát Trung Quốc đã bị phát hiện hoạt động trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) gần đảo Okinotorishima từ ngày 9-7. Ảnh: Kyodo
Okinotorishima được quản lý bởi Nhật Bản nhưng đồng thời Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền. Trong khi đó, Trung Quốc định kỳ thực hiện các cuộc khảo sát trên vùng biển này và thường chỉ trích tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế của Tokyo.
Để chống lại nhận định cho rằng Okinotorishima không phải là đảo và không cần phải cấp quyền vào vùng đặc quyền kinh tế, Tokyo đã đầu tư mạnh vào việc cải tạo đảo, bổ sung rạn san hô và nền bê tông để bảo vệ môi trường hiện thời.
Bình luận (0)