Hãng tin Reuters dẫn lời ông Biden: "Tương lai sẽ được tạo ra ở nước Mỹ". Ông Biden gọi đạo luật là "khoản đầu tư chỉ có 1 lần trong đời cho nước Mỹ".
Theo đó, Đạo luật chip và khoa học 2022, bao gồm khoản trợ cấp 52 tỉ USD cho hoạt động nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn vốn được sử dụng trong mọi sản phẩm điện tử, từ ôtô và vũ khí công nghệ cao đến các thiết bị công nghệ và trò chơi điện tử.
Tổng thống Mỹ ký thông qua Đạo luật chip và khoa học 2022 tại Nhà Trắng ngày 9-8. Ảnh: Reuters
Đạo luật cũng bao gồm khoản tín dụng thuế đầu tư 25% cho các nhà máy sản xuất chip ước tính trị giá 24 tỉ USD. Đạo luật này cũng sẽ bơm 200 tỉ USD trong 10 năm để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của Mỹ nhằm cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc.
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden cho biết đạo luật này sẽ giúp nước Mỹ giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh về kinh tế trong thế kỷ 21. Ông Biden nói rằng Mỹ cần chip cho các hệ thống vũ khí quan trọng như tên lửa Javelin và không có gì lạ khi Trung Quốc tích cực vận động các doanh nghiệp Mỹ chống lại dự luật này.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington trước đó cho biết Trung Quốc "kiên quyết phản đối" dự luật, gọi đây là "tâm lý Chiến tranh Lạnh".
Nhiều nhà lập pháp Mỹ cho biết họ thường sẽ không ủng hộ các khoản hỗ trợ quá lớn cho các doanh nghiệp tư nhân nhưng cho hay Trung Quốc và Liên minh châu Âu cũng đang rót hàng tỉ USD ưu đãi cho các công ty chip của họ.
Bên cạnh đó, các chính trị gia Mỹ cũng chỉ ra vấn đề này còn liên quan đến nguy cơ an ninh quốc gia và các vấn đề lớn trong chuỗi cung ứng đã cản trở hoạt động sản xuất trên toàn cầu.
Trong diễn biến khác cùng ngày, Tổng thống Joe Biden hoan nghênh Phần Lan và Thụy Điển tiến thêm một bước nữa để trở thành đồng minh của NATO sau khi ông ký các văn kiện phê chuẩn tư cách thành viên cho hai nước Bắc Âu.
Ông Biden cũng khen ngợi Phần Lan và Thụy Điển khi nói rằng cả hai đều có thể chế dân chủ mạnh mẽ, quân đội mạnh và nền kinh tế mạnh mẽ minh bạch sẽ giúp hỗ trợ NATO.
Ông Biden bắt tay với Đại sứ Thụy Điển tại Mỹ Karin Ulrika Olofsdotter sau khi ký các văn kiện phê chuẩn. Ảnh: EPA-EFE
Ông chủ Nhà Trắng cho rằng Nga đã phá vỡ hòa bình và an ninh ở châu Âu bằng chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tổng thống Biden nhấn mạnh: "Tổng thống Vladimir Putin nghĩ rằng ông ấy có thể chia rẽ chúng ta... Nhưng thay vào đó, ông ấy đang nhận được chính xác những gì ông ấy không muốn".
Tổng thống Biden khẳng định Mỹ sẽ làm việc với Phần Lan và Thụy Điển để duy trì sự cảnh giác trước bất kỳ mối đe dọa nào đối với an ninh chung, đồng thời ngăn chặn bất kỳ hành động tấn công hoặc đe dọa tấn công nào.
Bình luận (0)