Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) ngày 4-8 cho biết đã đề xuất những hướng dẫn mới về nghiên cứu “chimera”. Cơ quan này cho rằng vì những tiến bộ khoa học, họ sẵn sàng có một số thay đổi và sẽ đổ tiền vào một số nghiên cứu, tất nhiên kèm theo điều kiện.
Phó giám đốc phụ trách chính sách khoa học của NIH, bà Carrie D. Wolinetz, cùng ngày tiết lộ NIH đang thu thập ý kiến công luận trong vòng 1 tháng về việc mở rộng tài trợ cho những nghiên cứu “chimera”.
Theo bà Wolinetz, sự phát triển của những loại bộ phận “nửa người nửa thú” có tiềm năng lớn trong việc xác lập mô hình bệnh tật, thử nghiệm thuốc và thậm chí có thể cấy ghép nội tạng. “Tôi tự tin rằng những đề xuất thay đổi này sẽ cho phép cộng đồng nghiên cứu của NIH tiến sang một giai đoạn hứa hẹn hơn của khoa học một cách có trách nhiệm” - nữ phó giám đốc nhấn mạnh.
Sự bật đèn xanh nói trên của NIH được đưa ra gần 1 năm sau khi cơ quan này tuyên bố ngưng tài trợ cho nghiên cứu về “chimera”. Nhà báo y tế Rob Stein của trang NPR nhận định việc tiêm tế bào gốc của người vào phôi động vật có thể tạo điều kiện cho việc nuôi trồng nội tạng người nhằm giải quyết bài toán khan hiếm nội tạng đáp ứng nhu cầu cấy ghép hiện nay. Thêm vào đó, các nhà khoa học tin là họ có thể tìm kiếm được phương thức chữa nhiều loại bệnh bằng cách nghiên cứu kỹ hơn nội tạng người.
Hồi tháng 6, đài BBC tiết lộ thí nghiệm của nhóm nghiên cứu từ Trường ĐH California (Mỹ) nhằm tiêm tế bào gốc của người vào phôi heo để sản sinh ra phôi người - heo. Phôi này được ghép vào heo nái 28 ngày trước khi đẻ. Sau đó, các mô phát triển sẽ được lấy ra để phân tích.
Nhóm nghiên cứu kỳ vọng các tế bào gốc của con người sẽ tận dụng lợi thế của các khoảng trống gien trong phôi heo. Kết quả là bào thai của heo sẽ nuôi tụy của con người. Ông Pablo Ross, người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi hy vọng phôi heo sẽ phát triển bình thường, phần tụy người phát triển có thể tương thích với các bệnh nhân cần tụy cấy ghép”.
Nhà báo Stein cũng cho rằng nghiên cứu về “chimera” có thể giúp tìm ra phương thức điều trị nhiều loại bệnh tật như tiểu đường, Alzheimer, Parkinson… Tuy nhiên, những thí nghiệm như vậy đặt ra không ít quan ngại về mặt đạo đức. “Những người chỉ trích nói loại nghiên cứu này rất nguy hiểm bởi nó xóa nhòa ranh giới giữa người và các loài động vật khác, cũng như mở ra những nghi hoặc rằng những sinh vật như vậy thuộc loại gì… Chúng là động vật hay là người không đầy đủ? Phải đối xử với chúng ra sao?” - ông Stein giải thích.
Để xoa dịu những quan ngại đó, NIH khẳng định sẽ không cho phép thí nghiệm trên phôi linh trưởng. Ngoài ra, các thí nghiệm “chimera” còn phải qua “ải” kiểm tra nghiêm ngặt, đặc biệt là trong trường hợp thí nghiệm có nguy cơ khiến bộ não động vật thay đổi. Một số nhà nghiên cứu lo ngại một kết quả như thế có thể khiến động vật có tri giác giống người. Những thí nghiệm nhằm gây giống giữa người và động vật cũng tuyệt đối bị cấm. Dù vậy, nhiều nhà khoa học cho rằng tạo ra “chimera” vẫn là bước đi quá xa.
Bình luận (0)