Ông Chapman có ý nhắc đến cảnh báo trước đó của Mỹ về chuyện Trung Quốc không bảo vệ tài sản trí tuệ.
Cảnh báo trên được đưa ra giữa lúc Washington đang tăng cường nỗ lực nhằm hạn chế vai trò của Huawei trong việc tham gia phát triển mạng di động thế hệ mới tại nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh.
Mỹ tin rằng Huawei sẽ bàn giao dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc để phục vụ mục đích do thám - một cáo buộc bị Huawei bác bỏ.
Đại sứ Mỹ Todd Chapman cảnh báo Brazil sẽ chịu hậu quả nếu chọn sử dụng thiết bị Huawei. Ảnh: Bloomberg
Đại sứ Chapman cho hay Brazil sẽ không phải đối mặt với hành động trả đũa (từ Mỹ) nếu chọn Huawei nhưng có thể đối mặt với hậu quả. "Mỗi quốc gia chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Những hậu quả mà chúng ta đang thấy trên thế giới là các công ty liên quan đến sở hữu trí tuệ không muốn đầu tư vào các quốc gia không có sự bảo vệ về tài sản trí tuệ" – quan chức này nhấn mạnh.
Ông Chapman nhắc tới Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (USIDFC), một cơ quan do Tổng thống Donald Trump thành lập để thúc đẩy các nỗ lực phát triển tài chính ở nước ngoài của Mỹ, nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Cơ quan này hiện có ngân sách khoảng 60 tỉ USD.
Theo nhà ngoại giao này, chính phủ Mỹ đã đồng ý dùng tiền của USIDFC để hỗ trợ các đồng minh chọn mua hạ tầng viễn thông từ các nhà cung cấp đáng tin cậy.
Trung Quốc là thị trường hàng đầu của các mặt hàng xuất khẩu từ Brazil. Hồi đầu tháng này, một giám đốc điều hành của Huawei cảnh báo việc triển khai mạng 5G tại Brazil có thể bị trì hoãn trong nhiều năm và tốn kém nhiều hơn nếu nước này khuất phục trước sức ép của Mỹ.
Ủy ban Đầu tư nước ngoài ở Mỹ (CFIUS) đang xem xét tác động của ứng dụng TikTok đến an ninh quốc gia Mỹ. Ảnh: Reuters
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin hôm 29-7 cho biết Ủy ban Đầu tư nước ngoài ở Mỹ (CFIUS) đang xem xét tác động của ứng dụng TikTok đến an ninh quốc gia Mỹ và dự kiến trình khuyến nghị lên Tổng thống Donald Trump trong tuần này.
Lời khẳng định của ông Mnuchin đánh dấu lần đầu tiên chính phủ Mỹ thừa nhận TikTok đang được CFIUS xem xét. CFIUS là cơ quan thẩm định xem liệu các thỏa thuận liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài có đe dọa đến an ninh quốc gia hay không.
Đại diện của TikTok cho biết công ty không thể bình luận về các vấn đề liên quan đến CFIUS nhưng nói thêm rằng TikTok đang làm việc để phát triển cơ sở hạ tầng bảo mật tốt nhất và thúc đẩy trải nghiệm ứng dụng an toàn.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trước đó cho biết chính quyền đang xem xét việc cấm ứng dụng này và Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows hồi đầu tháng này cho rằng Mỹ sẽ có hành động trong vài tuần tới.
Bình luận (0)