Trong bài phát biểu tại Viện Brookings về "Chiến lược và ảnh hưởng khu vực ngày càng tăng của Trung Quốc", bà Lisa Curtis, giám đốc cấp cao của Hội đồng Bảo an Quốc gia Mỹ tại Nam Á - Trung Á liệt kê các nước có biên giới chung hay gần Trung Quốc, bao gồm Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và Bhutan, mà Mỹ đang củng cố quan hệ kinh tế và quân sự để đối phó Bắc Kinh.
"Mỹ sẵn sàng chấp nhận thêm rủi ro trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc, và tôi nghĩ mỗi phía sẽ phải làm quen với những chỉ dẫn mới điều hành chính sách của Mỹ trong khu vực khi chúng ta tiến lên. Tôi dành thời gian nghiên cứu khu vực Nam - Trung Á và tôi nghĩ rằng quan hệ Mỹ - Ấn Độ đang trở nên sâu sắc với sự thừa nhận về cam kết của 2 nước đối với một khu vực tự do, cởi mở, minh bạch ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các bạn sẽ thấy Mỹ ngày càng tập trung xây dựng mối quan hệ đó, đồng thời đảm bảo rằng các nước khác ở khu vực Nam Á và Trung Á có thể giữ vững chủ quyền" - tờ South China Morning Post trích lời bà Curtis.
Bà nhắc đến thỏa thuận bán vũ khí trị giá 3 tỉ USD của Mỹ - Ấn Độ trong năm nay, trong đó gồm 24 chiếc trực thăng MH-60 Romeo Seahawk, 6 chiếc trực thăng tấn công AH-64E Apache, cùng với một thỏa thuận tăng cường tham vấn 4 bên với Úc và Nhật Bản (Bộ tứ kim cương) như một nền tảng trong chiến lược của Tổng thống Donald Trump.
Bà Lisa Curtis. Ảnh: Viện Brookings
"Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" của chính quyền Tổng thống Trump, nền tảng chính sách châu Á của Washington, mở rộng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương từ Nam Á sang bờ biển Thái Bình Dương của Mỹ. Chiến lược này bị Bắc Kinh xem là nỗ lực tập hợp các cường quốc khu vực như Ấn Độ và Nhật Bản để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.
Theo lời bà Curtis, cuộc xung đột biên giới mới đây giữa Ấn Độ - Trung Quốc nhấn mạnh mức độ thất vọng của những nước này và các nước khác trong khu vực với chiến lược hội nhập chặt chẽ hơn mà Bắc Kinh tuyên truyền.
Bà còn cáo buộc Bắc Kinh "bán vũ khí giá rẻ và xây dựng căn cứ cho những tàu ngầm được chế tạo từ thập niên 1970 mà nước này bán cho Hải quân Bangladesh vào năm 2016". Bà Curtis cam kết Washington sẽ củng cố quan hệ với Dhaka.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa đưa ra bình luận gì về phát biểu của bà Curtis. Tuy nhiên, ngày 28-7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gọi lập trường ngày càng cứng rắn của Washington đối phó Trung Quốc là "quyền lực chính trị trắng trợn".
Bình luận (0)