Chính thức lên tiếng sau khi Bộ trưởng Lao động Thổ Nhĩ Kỳ gợi ý Mỹ đứng đằng sau vụ đảo chính, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo những phát ngôn như thế “hoàn toàn sai lệch và tổn hại” đến quan hệ 2 nước.
Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen. Ông này bị Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính nhưng đã lên tiếng phủ nhận, đồng thời tố người chính Tổng thống Erdogan mới là người dàn dựng vụ đảo chính.
Ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ chưa từng từ chối yêu cầu dẫn độ “những kẻ khủng bố” của Mỹ. “Nếu chúng ta là đồng minh chiến lược thì Mỹ nên thực hiện yêu cầu của chúng tôi” – ông Erdogan phát biểu trên truyền hình ngày 16-7.
Đáp lại, ông Kerry nói Mỹ không bất ngờ trước việc “sẽ có những câu hỏi về ông Gulen” sau vụ đảo chính. Tuy nhiên, ông cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ nên “trưng ra bằng chứng hợp lệ và Mỹ sẽ xem xét và đưa ra quyết định thích hợp”.
Phe ủng hộ chính phủ ăn mừng sau khi cuộc đảo chính thất bại. Ảnh: AP
Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ còn căng thẳng sau khi Ankara quyết định ngưng các chuyến bay quân sự cất cánh tử căn cứ không quân Incirlik, khiến sứ mệnh tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria và Iraq bị ảnh hưởng.
Lầu Năm Góc hôm 16-7 thông báo chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì quyết định đóng cửa không phận dành cho máy bay quân sự sau vụ đảo chính, khiến máy bay Mỹ không thể cất cánh từ đó để không kích IS.
“Mọi hoạt động ở căn cứ không quân Incirlik phải tạm ngừng trong thời điểm này. Quan chức Mỹ đang làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ để nối lại các chiến dịch càng sớm càng tốt” – thư ký báo chí Lầu Năm Góc Peter Cook thông báo.
Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ đang điều chỉnh các hoạt động bay trong chiến dịch chống IS để giảm thiểu bất kỳ tác động nào, ông Cook nói thêm.
Bình luận (0)