Cán cân quyền lực khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang nghiêng về phía Trung Quốc. “Lực lượng hạt nhân của Trung Quốc trong 3 - 5 năm tới sẽ mở rộng đáng kể” - Ủy ban Kinh tế và an ninh cho biết trong một báo cáo thường niên. Việc mở rộng lực lượng hạt nhân của Trung Quốc có thể làm suy yếu khả năng răn đe của Mỹ, đặc biệt trong mối liên hệ với Nhật Bản.
Báo cáo cho rằng “sự tự tin ngày càng tăng của Trung Quốc đối với năng lực quân sự đã khuyến khích Bắc Kinh tích cực thúc đẩy tham vọng lãnh thổ”. Ủy ban này đề cập đến tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, bao gồm Việt Nam và Philippines đối với chủ quyền ở biển Đông.
Máy bay chiến đấu J-11 cất cánh từ căn cứ không quân ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông – Trung Quốc
Ảnh: IMAGINECHINA
Trung Quốc cũng thường xuyên tung tàu xâm nhập lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Để đối phó với sự mở rộng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Ủy ban kêu gọi Quốc hội Mỹ phân bổ ngân sách cần thiết để xây dựng lực lượng quân sự Mỹ trong khu vực, hỗ trợ chiến lược quốc phòng mới cho phép Lực lượng phòng vệ có quyền tự vệ tập thể của Nhật Bản.
Trong 3 đến 5 năm tới, Trung Quốc sẽ có thể có nhiều hơn 5 tàu ngầm hạt nhân, mỗi chiếc có thể mang 12 tên lửa đạn đạo liên lục địa. Đến năm 2020, Trung Quốc có tổng cộng 351 tàu ngầm và tàu trang bị tên lửa hoạt động trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Về phía mình, Hải quân Mỹ có thể tăng số lượng tàu ngầm lên 67 chiếc vào năm 2020 từ con số 50 chiếc hiện nay, nếu ngân sách cho phép.
Cùng ngày, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua một loạt nghị quyết, trong đó có nghị quyết tái khẳng định sự cần thiết phải tìm giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, cho các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Theo TTXVN, nghị quyết H.Res-714 do Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Eni Faleomavaega bảo trợ, lên án mọi hành động cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực gây cản trở các quyền tự do tại các vùng biển và không phận quốc tế.
Bình luận (0)