Lên tiếng về vụ rò rỉ thông tin mật được kênh ABC News đánh giá "có thể là lỗ hổng tình báo nghiêm trọng nhất của Mỹ trong hơn một thập kỷ qua", các quan chức của cả Nhà Trắng, Lầu Năm Góc lẫn Bộ Tư pháp Mỹ đều rất kiệm lời.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia John Kirby hôm 10-4 nói: "Chúng tôi chưa biết ai đứng sau chuyện này, cũng không biết động cơ là gì và sắp tới sẽ còn thông tin gì lộ ra". Tương tự, những câu hỏi về quy mô vụ việc và mức độ thiệt hại đều chưa có đáp án - theo báo The New York Times.
Điều đáng ngạc nhiên mà báo giới Mỹ chỉ ra là "số lượng lớn đến kinh ngạc" những người có khả năng tiếp cận các tài liệu tình báo của Lầu Năm Góc bị rò rỉ nêu trên. ABC News trích lời một quan chức Mỹ cấp cao tiết lộ có đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn, quan chức quân đội và chính phủ Mỹ thuộc diện được đọc những tài liệu này.
Trong số này có nhiều tài liệu có vẻ do cơ quan tình báo của Hội đồng Tham mưu Mỹ, có tên gọi là J2, phát hành để phục vụ cho các cuộc họp hằng ngày. Càng đáng ngạc nhiên hơn khi điều tra của hãng tin AP cho thấy số tài liệu trên đã được tải lên mạng từ vài tháng trước nhưng phải đến vài tuần gần đây mới phát tán rộng rãi hơn và được các cơ quan truyền thông lớn phát hiện.
Binh lính Ukraine khiêng đạn pháo cho xe tăng ở “chảo lửa” Bakhmut hôm 10-4 Ảnh: REUTERS
Đài CNN cho biết số tài liệu trên xuất hiện trên mạng, trong đó có nền tảng Discord, dưới dạng ảnh chụp. Những tài liệu mà CNN kiểm tra dường như được phát hành vào giữa tháng 2 đến đầu tháng 3. Giới chức Mỹ cũng xác nhận độ xác thực của nhiều tài liệu trong số này - theo The New York Times.
Nội dung của những tài liệu này rất rộng, mà theo CNN là "mở ra cánh cửa sổ hiếm hoi cho thấy Mỹ do thám đồng minh và kẻ thù không khác gì nhau".
Chẳng hạn, một tài liệu mô tả cực kỳ chi tiết đoạn đối thoại giữa hai quan chức an ninh quốc gia cấp cao của Hàn Quốc, trong đó họ lo ngại Mỹ yêu cầu Seoul cung cấp vũ khí để sau đó chuyển đến Ukraine. Ngoài ra, một báo cáo của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) nói rằng cơ quan tình báo Israel là Mossad "khuyến khích biểu tình nhằm vào chính phủ mới của nước này".
Nội dung được quan tâm hơn cả là cuộc xung đột Ukraine - Nga. Giới quan sát tỏ ra ngạc nhiên trước mức độ Mỹ thâm nhập được vào Bộ Quốc phòng Nga cũng như công ty quân sự tư nhân Wagner, chủ yếu thông qua nghe lén liên lạc và các nguồn tin con người, từ đó cung cấp nhiều tin tình báo có giá trị cho Ukraine.
Nhưng ở chiều ngược lại, Mỹ cũng do thám sát sao Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - điều mà giới chức Kiev mô tả với đài CNN là "không có gì phải ngạc nhiên nhưng vẫn gây thất vọng sâu sắc".
Một số nhà ngoại giao của các nước được đề cập nói với CNN rằng họ biết tình báo Mỹ thu thập thông tin về các quốc gia thân thiện song không dễ chịu gì khi thấy chuyện này bị phơi bày công khai và danh tiếng Mỹ vì thế chịu tổn hại.
Không chỉ Kiev, bầu không khí chính trị ở Hàn Quốc, Israel… cũng trở nên khó chịu. Dù vậy, ABC News nhận định quan hệ lâu dài giữa Mỹ và các đồng minh nhiều khả năng không bị ảnh hưởng.
Động cơ "bung" thông tin mật càng trở nên khó đoán nếu xét trên cuộc khủng hoảng Ukraine, bởi lẽ các tài liệu phơi bày nhược điểm quân sự của cả Ukraine và Nga.
Cũng còn quá sớm để đánh giá khả năng thu thập thông tin của Mỹ đối với Nga sau này có bị ảnh hưởng hay không. The New York Times dẫn lời một quan chức quân sự Mỹ tiết lộ cũng như giới chức cấp cao Lầu Năm Góc, phải đến gần đây Nga mới biết về các thông tin mật nêu trên thông qua các tài liệu trên Discord.
Bình luận (0)