Các thượng nghị sĩ Mỹ cố tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ảnh: ABC NEWS
Theo hãng tin Reuters, ông Kim tuyên bố: “Chúng ta chỉ còn cách thời điểm rất nguy hiểm đó 5 ngày thôi. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ hãy nhanh chóng đạt được một giải pháp trước khi tới hạn nâng trần nợ. Đó có thể là một sự kiện thảm khốc đối với thế giới đang phát triển, đồng thời cũng gây thiệt hại nặng nề cho các nền kinh tế phát triển”.
Phát biểu trong chương trình “gặp gỡ báo chí” ngày 13-10, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde xác định nếu Mỹ không thể nâng trần nợ và mở cửa chính phủ trở lại thì hậu quả cũng sẽ tương tự tình trạng suy sụp về tài chính toàn cầu năm 2008.
Bà Lagarde khẳng định: “Vị thế của nền kinh tế Mỹ sẽ lại lâm nguy. Sự sụp đổ ở Mỹ sẽ kéo theo sự sụp đổ trên toàn thế giới. Khi đó, chúng ta có nguy cơ rơi vào suy thoái một lần nữa”.
Trong khi đó, Thượng viện Mỹ tổ chức phiên họp hiếm hoi trong ngày 13-10 (giờ địa phương) với mục đích chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ và tránh thảm họa vỡ nợ. Trước đó, ngày 12-10, các thủ lĩnh Cộng hòa và Dân chủ tại thượng viện đã lần đầu tiên trong nhiều tuần qua tiến hành cuộc đối thoại trực tiếp nhưng không đạt được sự đột phá nào đáng kể.
Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận ở đây là trong khi các thành viên Cộng hòa tại hạ viện đổ lỗi cho Tổng thống (TT) Barack Obama không thể tiến hành đối thoại về việc mở rộng quyền vay mượn của Mỹ, các thủ lĩnh Cộng hòa và Dân chủ tại thượng viện đã hợp lực đưa ra một chiến lược lưỡng đảng để thoát khỏi khủng hoảng.
Các thượng nghị sĩ (TNS) hàng đầu đã cho thấy nguyện vọng mãnh liệt của họ là muốn kết thúc tình trạng đóng cửa chính phủ kéo dài suốt 2 tuần, đồng thời giảm mối đe dọa vỡ nợ - họ chỉ còn 3 ngày làm việc trước khi đến hạn nâng trần nợ của Bộ Tài chính vào ngày 17-10.
TNS Dân chủ Harry Reid - thủ lĩnh phe đa số tại thượng viện, đồng minh hàng đầu của TT Obama tại quốc hội - đã có cuộc đối thoại sơ bộ thân mật với Mitch McConnell, TNS hàng đầu của phe Cộng hòa. Thế nhưng, cuộc bàn thảo trực diện đầu tiên của 2 ông chẳng đi đến kết luận nào.
TNS McConnell đề nghị một giải pháp lưỡng đảng do TNS ôn hòa thuộc phe Cộng hòa Susan Collins đưa ra như một khuôn mẫu khả thi nhưng TNS Reid bác bỏ. Đó là biện pháp mở rộng quyền vay nợ đến năm 2014 và cấp kinh phí cho chính phủ hoạt động trong vòng 6 tháng. Điều các thủ lĩnh Đảng Dân chủ quan ngại nhất ở đề xuất này là duy trì việc cắt giảm chi tiêu tự động.
Về phần mình, TT Obama hôm 12-10 đã nói rõ rằng ông muốn một thỏa thuận lâu dài, đồng thời bác bỏ đề xuất kéo dài thời hạn vay nợ thêm 6 tuần do Chủ tịch Hạ viện John Boehner đưa ra. Theo ông, đó không phải là một hành động khôn ngoan vì sẽ đẩy thời điểm hết hạn vay nợ vào đúng mùa mua sắm của người Mỹ. Như vậy, vấn đề trần nợ sẽ không chỉ tác động đến thị trường tài chính mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người dân khi gây khó khăn cho họ trong việc vay tiền.
Bình luận (0)