Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp công bố chi tiết kế hoạch tặng vắc-xin Covid-19 cho các nước giữa lúc có nỗi lo thêm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 sẽ xuất hiện tại những quốc gia không tiếp cận được vắc-xin.
Hiện chưa có thông tin về điểm đến của số vắc-xin trên. Chính quyền ông Biden trước đó khẳng định sẽ quyên tặng một phần vắc-xin cho sáng kiến COVAX được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hậu thuẫn nhằm mua và phân phối vắc-xin cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Một quan chức Mỹ tiết lộ với trang Bloomberg rằng Washington đang tham vấn với COVAX, các nhà sản xuất vắc-xin và tổ chức quốc tế về kế hoạch, trong đó có vấn đề logistics và pháp lý.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 2-6 cho biết kế hoạch phân phối vắc-xin Covid-19 của Mỹ sẽ được điều phối với COVAX, dựa trên tiêu chí khoa học và nhu cầu trong lúc "không có bất kỳ ràng buộc chính trị nào".
Ông Biden từng thông báo Mỹ sẽ tặng "ít nhất" 20 triệu liều vắc-xin của các hãng Pfizer Inc., Moderna Inc., và Johnson & Johnson vào cuối tháng 6. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ còn cam kết chuyển 60 triệu liều vắc-xin của Công ty AstraZeneca Plc (Anh - Thụy Điển) cho các nước khác trước ngày 4-7.
Vấn đề là Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn đang đánh giá sự an toàn của loại vắc-xin AstraZeneca được sản xuất bởi Công ty Emergent BioSolutions (Mỹ). Vì thế, nguồn tin cho biết vắc-xin AstraZeneca sẽ được xuất đi sau khi FDA bật đèn xanh.
Lô vắc-xin Covid-19 được vận chuyển đến thủ đô Mexico City - Mexico hôm 27-5 trong khuôn khổ sáng kiến COVAXẢnh: REUTERS
Mỹ đang đối mặt sức ép ngày một tăng về việc chia sẻ vắc-xin sau khi nhu cầu trong nước sụt giảm và tình hình dịch tại một số nước khác trở nên nghiêm trọng hơn do sự hoành hành của các biến thể mới. Washington cho đến giờ chỉ mới đồng ý gửi cho Mexico và Canada 4,2 triệu liều vắc-xin.
Một số chuyên gia nhấn mạnh việc quyên tặng vắc-xin sắp tới nên diễn ra thông qua COVAX và dựa vào những tiêu chí như nhu cầu đối phó các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và năng lực triển khai tiêm chủng nhanh chóng, hiệu quả của các nước.
Chiến dịch tiêm chủng tại Mỹ đã đi trước nhiều quốc gia khi chính phủ bảo đảm có hàng trăm triệu liều được sản xuất trong nước. Tính đến ngày 2-6, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), khoảng 62,9% người trưởng thành được tiêm ít nhất một mũi. Đáng chú ý, bình quân 1,1 triệu liều được tiêm mỗi ngày trong tuần rồi, giảm đáng kể so với vài tuần trước.
Trang Politico (Mỹ) hôm 2-6 dẫn lời 2 quan chức cấp cao tiết lộ chính quyền ông Biden còn đang cân nhắc quyên tặng những liều vắc-xin Covid-19 dư thừa ở các bang cho những nước cần đến trước khi chúng hết hạn.
Trong những tuần gần đây, số vắc-xin Covid-19 chưa sử dụng đang gia tăng trong kho khi số người đăng ký tiêm chủng sụt giảm. Một phần vắc-xin dư thừa này, trong đó có hàng chục ngàn liều vắc-xin của Johnson & Johnson, sẽ hết hạn vào cuối tháng 6. Đi xa hơn, giới chức Mỹ còn tính đến chuyện gửi ra nước ngoài những lô vắc-xin vốn dự kiến được chuyển đến các bang trong những tháng tới nhưng có thể không được dùng đến.
Tuy nhiên, ý định nói trên đang đối mặt một số trở ngại. Chẳng hạn, quốc gia nào đồng ý tiếp nhận phải có hạ tầng phân phối và năng lực tiêm chủng mạnh mẽ để bảo đảm vắc-xin được sử dụng trước khi hết hạn. Ngoài ra, Washington cần phải làm việc với các nước nhận vắc-xin về điều khoản bồi thường nhằm bảo vệ nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 khỏi trách nhiệm pháp lý nếu có sự cố xảy ra, như tác dụng phụ sau khi tiêm.
Nhiều nước châu Á mệt mỏi vì biến thể virus SARS-CoV
Theo thống kê của trang nextstrain.org, hơn 1.000 biến thể của virus SARS-CoV-2 đã được ghi nhận cho đến nay. Có nhiều dấu hiệu cho thấy một số biến thể trong số này là nguyên nhân chính gây ra các đợt bùng phát dịch Covid-19 hiện nay tại châu Á. Theo đài DW (Đức), điều quan trọng là xác định các biến thể càng nhanh càng tốt và bảo đảm đủ số lượng vắc-xin phù hợp có sẵn trên toàn cầu chứ không chỉ ở các quốc gia giàu có.
Ở Sri Lanka và Campuchia, biến thể Alpha (B.1.1.7, phát hiện lần đầu ở Anh) đang gây ra phần lớn ca nhiễm. Hai loại vắc-xin Covid-19 của hãng dược Pfizer và Công ty Moderna (đều của Mỹ) là vũ khí hiệu quả trong cuộc chiến chống lại biến thể này. Vắc-xin của hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) cũng bảo vệ tốt người được tiêm chủng trước biến thể này.
Còn tại Bangladesh, biến thể Beta (B.1.351, phát hiện lần đầu ở Nam Phi) đứng sau sự gia tăng nhanh chóng của số ca Covid-19. Dù vậy, vắc-xin của hãng AstraZeneca được đánh giá là chỉ có khả năng bảo vệ "tối thiểu" trước biến thể này. Vấn đề là loại vắc-xin chính có sẵn ở Bangladesh là Covishield, phiên bản vắc-xin của AstraZeneca được sản xuất ở Ấn Độ. Trong khi đó, biến thể Delta (B.1.617.2) đang hoành hành mạnh tại Ấn Độ, nơi nó được phát hiện đầu tiên và Nepal, nơi chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh kể từ giữa tháng 4. Các nghiên cứu ở Anh cho thấy loại vắc-xin hiện nay của Pfizer và AstraZeneca có hiệu quả với biến thể này sau khi tiêm đủ 2 liều.
Trong khi nhiều quốc gia công nghiệp phát triển đặt mục tiêu tiêm chủng cho phần lớn dân số trưởng thành vào cuối mùa hè này, nhiều nước nghèo hơn ở châu Á, châu Phi hoặc châu Mỹ Latin thậm chí chưa thể tiến hành chiến dịch tiêm chủng. Theo một nghiên cứu gần đây trên tạp chí y khoa The Lancet, các quốc gia giàu nhất thế giới đã bảo đảm khoảng 70% nguồn cung của 5 loại vắc-xin Covid-19 hàng đầu mặc dù chiếm chưa đến 16% dân số toàn cầu. Trong khi đó, WHO chỉ ra rằng chỉ mới có 0,2% dân số ở các nước nghèo được tiêm vắc-xin Covid-19.
Huệ Bình
Bình luận (0)