Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức thông báo với Liên Hiệp Quốc về việc rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, theo xác nhận của Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 4-11. Với động thái này, ông Donald Trump đã thực hiện lời hứa lúc tranh cử là thúc đẩy ngành công nghiệp dầu khí và than đá của Mỹ.
Theo Reuters, Mỹ hiện là nước thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất thế giới và cũng là nước duy nhất lựa chọn đứng ngoài Hiệp định Paris. Biện hộ cho động thái này, ông Pompeo cho rằng Hiệp định Paris gây ra "gánh nặng kinh tế không công bằng" lên nước Mỹ. Cũng theo quan chức này, Washington đang đi đầu trong mọi nỗ lực giảm mọi loại khí thải và mô hình của họ vừa thực tế vừa thực dụng.
Theo một nghiên cứu mới, mực nước biển vẫn tăng đáng kể ngay cả khi thế giới giảm được toàn bộ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 Ảnh: Reuters
Đây là bước đi chính thức đầu tiên trong tiến trình rời khỏi hiệp ước toàn cầu nói trên, dự kiến kéo dài đúng 1 năm, tức một ngày sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 khép lại. Các nhóm môi trường hy vọng ông Donald Trump sẽ bị đánh bại trong cuộc bầu cử này và người kế nhiệm ông sẽ gia nhập lại hiệp ước với những mục tiêu mới táo bạo hơn. Mọi ứng viên tổng thống tiềm tàng của Đảng Dân chủ đều hứa hẹn tái gia nhập Hiệp định Paris nếu thắng cử.
Chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama đã ký kết tham gia Hiệp định Paris vào năm 2015 với cam kết cắt giảm 26%-28% khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 2005. Tuy nhiên, ông Donald Trump lại cho rằng cam kết này có hại cho nền kinh tế Mỹ trong lúc để những nước gây ô nhiễm nghiêm trọng khác, như Trung Quốc, tăng lượng khí thải. Theo một số chuyên gia, việc ông Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris có thể gây hại đến ảnh hưởng của Washington trên toàn cầu. "Sẽ mất không ít thời gian để cộng đồng quốc tế tin vào Mỹ như một đối tác nhất quán" - ông Andrew Light, chuyên gia tại Viện Tài nguyên thế giới (Mỹ), nhận định. Từ giờ cho đến khi chính thức rút khỏi Hiệp định Paris, Mỹ sẽ tiếp tục cử quan chức Bộ Ngoại giao tham gia đàm phán về những khía cạnh kỹ thuật của thỏa thuận.
Chính phủ Pháp hôm 5-11 "lấy làm tiếc" trước quyết định trên của Mỹ trong bối cảnh Tổng thống Emmanuel Macron đang ở thăm Trung Quốc. Tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Pháp khẳng định điều này càng khiến quan hệ đối tác giữa Paris và Bắc Kinh trong lĩnh vực khí hậu và đa dạng sinh học trở nên cần thiết hơn.
Theo Hiệp định Paris, gần 200 nước đã cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và giúp các nước nghèo đối mặt với các tác động tồi tệ nhất của một hành tinh đang ấm dần lên. Dù vậy, một công trình nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (Mỹ) hôm 4-11 cho biết mực nước biển vẫn tăng đáng kể ngay cả khi thế giới giảm được toàn bộ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Theo các chuyên gia tại Viện Phân tích khí hậu (Đức), lượng khí thải trong giai đoạn 2015-2030 sẽ đủ khiến mực nước biển tăng lên 8 cm vào năm 2100. Ngoài ra, mực nước biển dự kiến tăng ít nhất 1 m vào năm 2300 ngay cả trong kịch bản cực kỳ khó xảy ra - lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính giảm xuống bằng 0 vào năm 2030. Trước đó, một số nhà khoa học được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn đã dự báo mực nước biển gia tăng từ 26-77 cm vào cuối thế kỷ này.
Bình luận (0)