Quỹ này đã chi phần lớn trong 7 tỉ USD mà họ nhận được từ các chính phủ trong 5 năm qua nhưng hiện gặp khó khi Mỹ đã ngừng đóng góp.
Theo hãng tin AP, tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2015, các chính phủ đã đồng ý quyên góp 100 tỉ USD mỗi năm đến năm 2020 để giúp các nước đang phát triển giảm khí thải và đối phó với các tác động khó tránh của tình trạng nóng lên toàn cầu, như nước biển dâng và hạn hán.
Quỹ Khí hậu Xanh, đặt trụ sở tại Hàn Quốc, là một phần của nỗ lực trên và các quan chức hy vọng quỹ này thu được ít nhất 10 tỉ USD ngay trong vòng đầu tiên và 15 tỉ USD vào năm kế tiếp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump rời Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ngày 23-9-2019 Ảnh: The New York Times
Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump - theo đó, giữ lại 2 tỉ USD trong số 3 tỉ USD được cam kết bởi người tiền nhiệm Barack Obama - đã góp phần dẫn đến sự thiếu hụt của GCF. Pháp, Anh, Đức và một số nước châu Âu khác gần đây cho biết sẽ tăng gấp đôi phần đóng góp đầu tiên của họ cho quỹ. Tổng số tiền cam kết đến nay lên đến khoảng 7,5 tỉ USD. Các nhà vận động môi trường đang lo ngại một số quốc gia có thể theo chân Mỹ và ngừng đóng góp.
Ngoài việc quay lưng với GCF, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị chính thức rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Theo báo The New York Times, ngày 4-11 là thời điểm sớm nhất mà chính quyền Mỹ có thể gửi công văn cho Liên Hiệp Quốc thông báo quyết định này và nó sẽ có hiệu lực đúng một năm sau đó.
Bình luận (0)