Cái tên “Hiroshima” gắn liền với sự kiện ném bom nguyên tử của Mỹ khiến người ta khó có thể hình dung rằng trước khi quyết định chọn thành phố này, Mỹ đã từng tính đến một số mục tiêu khác.
Đầu năm 1945, Mỹ vẫn còn phân vân trong việc chọn mục tiêu ném bom. Nhà sử học Alex Wellerstein của Viện Công nghệ Stevens (Mỹ) cho rằng ở thời điểm đó, Mỹ còn đang cân nhắc những câu hỏi như “Mục tiêu có nên là một thành phố hay là một căn cứ quân sự? Hay là chỉ cần phô trương quả bom mà không gây thương vong”.
Hiroshima bị chọn ném quả Little Boy vì có diện tích phù hợp mục tiệu: 1 quả bom xóa sổ 1 thành phố. Ảnh tư liệu: AP
Ông Wellerstein đã dành cả sự nghiệp để nghiên cứu vũ khí hạt nhân và những quyết định sử dụng chúng. Theo ông, vào mùa xuân năm 1945, quân đội Mỹ đã triệu tập một ủy ban gồm nhiều sĩ quan và các nhà khoa học để quyết định xem nên thả bom nguyên tử xuống vị trí nào.
Biên bản họp của ủy ban này đã được giải mật vài năm trước, theo đó trong danh sách mục tiêu đề xuất có những địa điểm ít gây nhiều thương vong hơn so với Hiroshima, như một căn cứ quân sự hẻo lánh và vịnh Tokyo. Tuy nhiên, ủy ban cuối cùng quyết định rằng những vị trí trên sẽ không cho thế giới thấy được sức mạnh của loại bom nguyên tử mà Mỹ mới chế tạo. “Họ muốn thế giới thấy rằng đây (bom nguyên tử) là một thứ gì đó rất khác biệt nên việc chọn địa điểm rất quan trọng trong việc chứng tỏ sự khác biệt này”- ông Wellerstein nhận định.
Đại tá Paul Tibbets, người điểu khiển máy bay Enola Gay (ảnh) thả quả bom nguyên tử Little Boy xuống TP Hiroshima. Ảnh: AP
Ủy ban này xác định 2 mục tiêu “tâm lý” của vụ thả bom nguyên tử đầu tiên: một là dọa cho người Nhật sợ đến mức đầu hàng không điều kiện và hai là gây ấn tượng với cả thế giới về sức mạnh của loại vũ khí mới.
Mục tiêu thứ hai đặt biệt quan trọng đối với các nhà nghiên cứu của Mỹ. Thời điểm này, bom nguyên tử (còn gọi là bom A) của Mỹ vẫn là bí mật hàng đầu, nhưng các nhà khoa học Mỹ còn một bí mật khác đáng sợ hơn. Trong vòng vài năm nữa, họ kỳ vọng chế tạo được một loại “siêu bom”, tức là bom nhiệt hạch (còn gọi là bom hydro hoặc bom H) có sức tàn phá kinh khủng hơn nhiều. Khi đó, họ cho rằng các tên lửa trang bị bom H có thể phá hủy cả thế giới.
Nhà vật lý học Edward Teller khi đó không có mặt trong ủy ban xác định mục tiêu ném bom nói trên, nhưng lá thư ông viết còn lưu lại đến nay đã tóm tắt sự lo lắng của những người chế tạo bom: “Hy vọng duy nhất là để mọi người thấy thấy được kết quả của những gì chúng ta đã làm . Điều này có thể giúp thuyết phục mọi người rằng cuộc thế chiến kế tiếp sẽ vô cùng tàn khốc. Vì mục đích này, việc đem sử dụng (bom nguyên tử) trong chiến trận thực tế có thể sẽ là lựa chọn tốt nhất”.
Thế là ủy ban mục tiêu đã quyết định những quả bom nguyên tử của Mỹ không những phải gây thương vong mà còn phải gây ấn tượng mạnh, như xóa sổ một thành phố ra khỏi bản đồ thế giới. Điều này sẽ rất kinh khủng, nhưng họ lại muốn nó kinh khủng như vậy để chấm dứt chiến tranh thế giới thứ hai và ngăn chặn việc sử dụng bom hạt nhân trong tương lai.
Hình ảnh chụp từ cửa kính máy bay cho thấy thành phố Hiroshima bị san bằng sau vụ ném bom. Ảnh: AP
Họ đã chọn Hiroshima. Nhà sử học Wellerstein nhận định: “Hiroshima là mục tiêu nhỏ gọn. Nếu bạn thả một quả bom nguyên tử vào ngay chính giữa thành phố, bạn sẽ hủy diệt gần như toàn bộ thành phố”. Hơn nữa, Hiroshima cũng là một mục tiêu quân sự đích thực vì nơi đây có các nhà máy và một số cơ sở căn cứ. Kết quả, quả bom nguyên tử mang tên Little Boy đã được thả xuống Hiroshima hôm 6-8-1945, khiến từ 70.000-80.000 thiệt mạng (theo ước tính của quân đội Mỹ).
Thế chiến thứ hai sau đó đã kết thúc.
Một phóng viên tác nghiệp tại Hiroshima sau khi thành phố này tan hoang vì bom nguyên tử. Ảnh: AP
Câu hỏi đặt ra là việc Mỹ ném bom hủy diệt Hiroshima có thật sự khiến thế giới không còn dám nghĩ đến chiến tranh hạt nhận không? “Nó thật sự tạo hiệu ứng như vậy nhiều năm sau đó” - ông Robert Norris, một thành viên Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ và từng nhiều năm nghiên cứu lịch sử của những vụ ném bom nguyên tử đầu tiên, nhận định.
Tuy nhiên, ông Norris cũng nhấn mạnh thêm rằng hàng ngàn quả bom khác hiện vẫn đang trong tình trạng báo động và quân đội vẫn có kế hoạch sử dụng chúng trong chiến tranh. “Mục tiêu hiện nay là những đâu?”- ông Norris đặt vấn đề.
Bình luận (0)