Quan hệ Mỹ - Trung Quốc le lói một tia tích cực hôm 27-5, sau khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai điện đàm với nhau. Đây là cuộc họp về thương mại đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền. Lần gần nhất đại diện thương mại hai bên trao đổi với nhau là vào tháng 8 năm ngoái.
Bộ Thương mại Trung Quốc mô tả cuộc điện đàm là "thẳng thắn, thực tế và mang tính xây dựng". Về phần mình, Washington cho hay bà Tai đã bàn về các nguyên tắc định hướng chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Biden, đồng thời nêu lên các vấn đề còn gây lo ngại.
Trao đổi với Reuters, TS Wang Huiyao, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa (Trung Quốc), đánh giá cuộc điện đàm chứng tỏ Mỹ - Trung đều muốn vấn đề thương mại trở lại bình thường. Tuy thế, việc đánh thuế vẫn là quan tâm mấu chốt của Bắc Kinh dù họ không đề cập trong thông cáo chính thức.
Mỹ và Trung Quốc vướng vào cuộc chiến thương mại kéo dài 2 năm, bắt đầu từ thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sự thù địch này tạm dừng sau khi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết vào năm ngoái, trong đó Bắc Kinh cam kết mua ít nhất 200 tỉ USD hàng hóa Mỹ trong vòng 2 năm để đổi lấy việc Washington dỡ bỏ thuế quan đánh vào số hàng xuất khẩu trị giá 120 tỉ USD của Trung Quốc.
Đại dịch Covid-19 khiến Mỹ và Trung Quốc mâu thuẫn sâu sắc. Trong ảnh: Nhân viên an ninh đứng ngoài Viện Virus học Vũ Hán trong lúc nhóm điều tra của Tổ chức Y tế thế giới đến cơ sở này hồi tháng 2 Ảnh: REUTERS
Dù vậy, thỏa thuận giữ nguyên mức thuế 25% mà Mỹ đánh vào 250 tỉ USD hàng hóa khác của Trung Quốc. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden duy trì mức thuế này trong thời gian chính quyền ông "đánh giá thấu đáo" quan hệ thương mại Mỹ - Trung.
Hiện tại, theo Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), Bắc Kinh vẫn chưa đạt được yêu cầu mua hàng theo thỏa thuận trên và cần phải mua thêm 64,5 tỉ USD hàng hóa Mỹ trong 4 tháng đầu năm nay mới đạt tiến độ.
Trực diện hơn, ông Kurt Campbell, điều phối viên về các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, khẳng định giai đoạn vốn được mô tả là "gắn kết với Trung Quốc" đã chấm dứt. Thay vào đó, chính sách Mỹ đối với Trung Quốc sẽ chuyển sang "cạnh tranh mạnh mẽ".
Phát biểu tại sự kiện trực tuyến do Trường ĐH Stanford (Mỹ) tổ chức hôm 26-5 (giờ địa phương), ông Campbell nhận xét Trung Quốc "quyết tâm đóng một vai trò sắc nét hơn" và đang "chuyển sang sức mạnh cứng". Dấu hiệu cho lập trường này chính là những cuộc đụng độ quân sự với Ấn Độ ở biên giới, "trừng phạt kinh tế" Úc, gây hấn ở biển Đông và thúc đẩy đường lối ngoại giao "chiến lang".
Ngoài những khúc mắc trên, Mỹ - Trung còn lún sâu vào tranh cãi quanh vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, tương lai của Đài Loan, Hồng Kông, công nghệ 5G... "Mỹ muốn đưa Trung Quốc vào hệ thống của mình, không chỉ kinh tế mà cả chính trị. Đến khi thấy Trung Quốc lấn át chính nền kinh tế của mình, Mỹ liền tìm cách kiềm chế Trung Quốc" - ông Wang Yiwei, GIám đốc Viện Quốc tế của Trường ĐH Nhân Dân (Trung Quốc), nhận xét.
Theo hãng tin Bloomberg, ông Campbell cho rằng giải pháp đối trọng Trung Quốc của Mỹ là hợp tác với đồng minh, đối tác và bạn bè. "Chính sách Trung Quốc tốt nhất cũng đồng thời là chính sách châu Á tốt. (...) Đây là lần đầu tiên chúng tôi thực sự chuyển trọng tâm chiến lược về Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm cả lợi ích kinh tế lẫn tư duy quân sự" - ông Campbell nói.
Ví dụ cho hình thức hợp tác này là một hội nghị trực tiếp giữa lãnh đạo nhóm "Bộ tứ" (Quad), đang được Mỹ lên kế hoạch tổ chức vào mùa thu tới với nội dung tập trung vào cơ sở hạ tầng. Trước đó, vào tháng 3, lãnh đạo "Bộ tứ" - gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc - đã có cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên và thu về cam kết hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực vắc-xin Covid-19, khí hậu và an ninh khu vực.
Chỉ đạo trong 3 tháng phải tìm ra nguồn gốc virus
Tổng thống Joe Biden hôm 26-5 thông báo đã chỉ thị Cộng đồng Tình báo Mỹ (USIC) "nỗ lực gấp đôi" để điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19 và báo cáo kết quả trong vòng 90 ngày.
Cũng trong thông báo trên, Tổng thống Biden cho biết hồi tháng 3 ông đã yêu cầu Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan chỉ đạo USIC chuẩn bị báo cáo về nguồn gốc dịch Covid-19 với những phân tích mới nhất, chẳng hạn virus lây từ động vật sang người hay xuất phát từ phòng thí nghiệm. Tổng thống Biden tiết lộ ông nhận được báo cáo vào đầu tháng này nhưng yêu cầu điều tra thêm, bởi USIC đến giờ vẫn chưa thể kết luận chắc chắn.
Tuyên bố trên được ông chủ Nhà Trắng đưa ra sau khi tình báo Mỹ phát hiện nhiều nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV) của Trung Quốc đổ bệnh vào tháng 11-2019 và phải nhập viện. Về chi tiết này, theo đài CNN, Tổng thống Biden cho biết ông đã chỉ đạo phòng thí nghiệm quốc gia cùng các cơ quan khác của chính phủ Mỹ chuẩn bị danh sách câu hỏi đặc biệt dành cho Trung Quốc, cũng như yêu cầu USIC liên tục cập nhật thông tin về quá trình điều tra cho quốc hội.
Cùng ngày, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ thông qua trang web của họ bóng gió rằng "một vài thế lực chính trị đã bị ám ảnh bởi mưu đồ thao túng chính trị và trò chơi đổ lỗi", gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều tra nguồn gốc Covid-19 nói riêng và nỗ lực ngăn chặn đại dịch nói chung. Bắc Kinh từng nhiều lần bác giả thuyết virus xuất phát từ WIV, đồng thời cáo buộc Mỹ và những quốc gia khác tìm cách đánh lạc hướng dư luận khỏi những thất bại của chính họ trong khâu kiểm soát đại dịch.
Tổ chức Y tế thế giới đang chuẩn bị bắt đầu giai đoạn 2 của cuộc điều tra nguồn gốc virus. Kể từ khi bùng phát vào tháng 12-2019 tại TP Vũ Hán, Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại, đặc biệt là ở châu Á hiện nay. Thái Lan ngày 27-5 thông báo thêm 3.323 ca nhiễm và 47 ca tử vong mới - mức tăng cao nhất sau 24 giờ kể từ khi đại dịch khởi phát. Đài Loan (Trung Quốc), vùng lãnh thổ từng được ca ngợi là hình mẫu chống dịch, cũng đang lao đao vì làn sóng lây nhiễm mới, với mức tăng khoảng 300 ca nhiễm/ngày.
Cao Lực
Bình luận (0)