Khi được hỏi liệu Mỹ có lựa chọn quân sự nào cho Triều Tiên mà không khiến Seoul gặp nguy hiểm, ông Mattis trả lời: "Có nhưng tôi sẽ không nói chi tiết".
Các giải pháp khả thi của Tổng thống Donald Trump bao gồm những hoạt động từ không gây chết người như phong tỏa hải quân để thực thi các lệnh trừng phạt đến phát động các cuộc tấn công mạng và thiết lập vũ khí mới ở Hàn Quốc, nơi có 28.500 binh lính Mỹ.
Trước đó 1 ngày, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Nikki Haley thông báo Hội đồng Bảo an đã hết cách kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên và Mỹ có thể phải chuyển vấn đề này sang Lầu Năm Góc
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis. Ảnh: REUTERS
Bất kỳ xung đột nào trên bán đảo Triều Tiên cũng có thể dễ dàng dẫn đến tình trạng đổ máu như thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1053. Khi đó, cuộc chiến đã cướp đi mạng sống của hơn 50.000 người Mỹ và hàng triệu người dân ở cả 2 miền Nam, Bắc nhưng chỉ được kết thúc bằng một thỏa hiệp ngừng bắn chứ không phải hiệp định hòa bình.
Chưa kể tới vũ khí hạt nhân (thậm chí có thể là vũ khí hóa học và sinh học) của Triều Tiên, Seoul nằm ngay trong tầm bắn của pháo binh nước láng giềng.
Trong khi đó, Hàn Quốc vừa đặt vấn đề đưa vũ khí hạt nhân trở lại bán đảo. Ông Mattis thừa nhận có thảo luận việc này với người đồng cấp Hàn Quốc nhưng từ chối cho biết giải pháp này có được cân nhắc hay không. "Chúng tôi đối thoại cởi mở với các đồng minh về bất kỳ vấn đề nào họ muốn nói tới" - ông Mattis nói.
Quân đội Mỹ ngày 18-9 thông báo họ vừa tổ chức các cuộc tập trận ném bom với Hàn Quóc khi đưa 2 chiếc máy bay ném bom B-1B và chiến đấu cơ F-35 đến bán đảo Triều Tiên, một động thái phô diễn sức mạnh với Bình Nhưỡng.
Máy bay Mỹ và Hàn Quốc bay trên bán đảo Triều Tiên và thực hiện khả năng tấn công hôm 18-9. Ảnh: US Army
Máy bay B-1B cùng F-35B và F-2 của Nhật Bản bay gần Nhật Bản hôm 18-9. Ảnh: JASDF
Dù cả Mỹ và Triều Tiên đều có những phát biểu gay gắt nhưng chưa có dấu hiệu nào từ quân đội Mỹ cho thấy một cuộc xung đột sắp xảy ra. Ông Mattis khẳng định với các phóng viên ông tin rằng biện pháp ngoại giao và lệnh trừng phạt đã thành công trong việc gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng cho đến nay.
Mặc dù căng thẳng gia tăng, Mỹ và các đồng minh đều tuân thủ chính sách không can thiệp khi Triều Tiên thử nghiệm tên lửa. Ông Mattis cũng xác nhận chính sách đó vào ngày 18-9 khi nói rằng họ sẽ không bắn hạ tên lửa Triều Tiên nếu nó không đe dọa trực tiếp đến Mỹ hoặc các đồng minh. Theo lời bộ trưởng quốc phòng, tính toán của Bình Nhưỡng dường như là thử tên lửa nhưng không vượt quá giới hạn để có thể bị trả đũa.
Trung - Nga, Mỹ - Hàn đồng loạt tập trận sát Triều Tiên
Mỹ - Hàn tiến hành tập trận 18-9
Bình luận (0)