Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết: "Đây là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và tình trạng cấp bách của đại dịch kêu gọi cần thực hiện các biện pháp đặc biệt. Chính quyền rất tin tưởng vào các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhưng để chấm dứt đại dịch này, Mỹ ủng hộ việc từ bỏ các biện pháp bảo vệ đó đối với vắc-xin".
Bà Tai cho hay khi nguồn cung cấp vắc-xin cho người dân Mỹ được đảm bảo, chính quyền sẽ tiếp tục tăng cường nỗ lực, làm việc với lĩnh vực tư nhân và tất cả các đối tác để mở rộng sản xuất và phân phối vắc-xin. Các bên cũng sẽ làm việc để tăng nguyên liệu thô cần thiết giúp sản xuất các loại vắc-xin.
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết Mỹ ủng hộ việc từ bỏ các biện pháp bảo vệ đối với vắc-xin. Ảnh: AP
Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khen ngợi quyết định của Mỹ là "quyết định lịch sử" trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, quyết định ủng hộ từ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chính quyền ông Biden vấp phải sự phản đối của các nhà sản xuất và nghiên cứu dược phẩm Mỹ, gồm các nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 như AstraZeneca, Pfizer và Johnson & Johnson.
Một quan chức chính quyền ông Biden cảnh báo rằng các cuộc thảo luận của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin có thể mất thời gian vì các phán quyết của cơ quan này dựa trên sự đồng thuận của tất cả 164 thành viên.
Theo đài CNBC, quan chức giấu tên nói thêm rằng bà Tai đã có ít nhất hai chục cuộc họp và cuộc gọi với các bên liên quan khác nhau trong ngành, bao gồm cả các nhà sản xuất vắc-xin lớn. Theo nguồn tin này, bà Tai có kế hoạch vận động cho sự hợp tác thân thiện giữa các công ty toàn cầu để giảm bớt nút thắt trong chuỗi cung ứng.
Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng hôm 5-5 cũng khẳng định Mỹ sẽ ủng hộ đề xuất từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Động thái của chính quyền ông Biden diễn ra khi tình trạng ca mắc mới tăng lên mức cao nhất ở các quốc gia gặp khó khăn trong việc mua sắm hoặc phân phối vắc-xin.
Trong khi đó, theo hãng tin AP, ông Stephen Ubl, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hiệp hội Nghiên cứu và Sản xuất Dược phẩm Mỹ, cho biết quyết định của Mỹ sẽ gây ra sự nhầm lẫn giữa các đối tác nhà nước và tư nhân, tiếp tục làm suy yếu chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng, đồng thời thúc đẩy sự gia tăng của vắc-xin giả.
TS Michelle McMurry-Heath, giám đốc điều hành của Tổ chức Đổi mới Công nghệ Sinh học, cho rằng quyết định này sẽ làm suy yếu các động lực phát triển vắc-xin và phương pháp điều trị đối với các đại dịch trong tương lai.
Bình luận (0)