Khoảng 41 triệu liều trong đợt phân phối này sẽ được chia sẻ thông qua COVAX (cơ chế tiếp cận vắc-xin Covid-19 toàn cầu), Nhà Trắng cho biết.
Trong số này, khoảng 14 triệu liều sẽ được chuyển đến khu vực Mỹ Latin và Caribbean như Brazil, Argentina và Colombia...bên cạnh các quốc gia khác trong Cộng đồng Caribbean (CARICOM) như Cộng hòa Dominica, Panama và Costa Rica.
Khoảng 16 triệu liều sẽ được phân phối cho các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, trong đó có Việt Nam, Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc)…Khoảng 10 triệu liều còn lại sẽ được chuyển đến các quốc gia châu Phi được chọn lựa với sự hỗ trợ của khối Liên minh châu Phi.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết chia sẻ hàng trăm triệu liều vắc-xin Covid-19 cho thế giới. Ảnh: AP
Khoảng 14 triệu liều, tương đương 25% trong tổng số 55 triệu liều nêu trên, sẽ được Mỹ bàn giao trực tiếp cho Việt Nam, Colombia, Argentina, Haiti, những quốc gia khác trong CARICOM, Pakistan và Philippines…
Nhà Trắng không cho biết số lượng cụ thể hoặc ước tính mà chính quyền Tổng thống Biden sẽ chuyển cho mỗi quốc gia hoặc khu vực.
Vắc-xin san sẻ sẽ bao gồm sản phẩm của các Công ty Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson (đều của Mỹ).
Nhà Trắng không còn cam kết bàn giao toàn bộ 80 triệu liều đến cuối tháng 6 như ban đầu. Thay vào đó, họ cho biết sẽ chuyển vắc-xin sớm nhất có thể, đồng thời nói rằng những thách thức liên quan đến hậu cần là nguyên nhân khiến vắc-xin bị giao chậm trễ.
Vào đầu tháng này, chính quyền Tổng thống Biden thông báo kế hoạch chia sẻ thêm 500 triệu liều vắc-xin Pfizer cho toàn thế giới, bên cạnh 80 triệu liều kể trên.
Mỹ chia sẻ phần lớn vắc-xin Covid-19 thông qua cơ chế COVAX. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)