Chương trình phát triển chiến đấu cơ tàng hình hiện đại nhất thế giới của không quân Mỹ F-22 Raptor bắt đầu cách đây nhiều thập kỷ, với tổng chi phí dự kiến 66,7 tỉ USD.
Từ khi được đề xuất, F-22 đã gây tranh cãi và sau đó, khi chỉ có 187 chiếc “Chim ăn thịt” được đặt hàng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là ông Robert Gates đã hủy bỏ kế hoạch chế tạo thế hệ máy bay này.
Raptor chỉ đi vào hoạt động năm 2005 sau một quá trình phát triển gặp nhiều trắc trở. Cũng kể từ đó, F-22 phải đứng ngoài hai cuộc chiến do Mỹ phát động tại Iraq và Afghanistan cũng như chiến dịch quân sự tại Libya năm 2011.
Gần đây, khi Mỹ mở cuộc không kích vào các mục tiêu IS bên trong lãnh thổ Syria, F-22 chính thức được xuất trận đầu, tạo nên một cú sốc lớn đối với nhiều nhân vật trong ngành hàng không quân sự.
Một nguồn tin khẳng định với tờ Daily Beast (Mỹ) rằng F-22 đã tham gia “làn sóng không kích” đầu tiên để phá hủy trung tâm chỉ huy và một số địa điểm quan trọng do IS kiểm soát ở Syria.
Có vẻ Raptor xuất kích từ căn cứ không quân Al Dhafra thuộc Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, F-22 còn hộ tống máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Mỹ cũng như các quốc gia Ả Rập đồng minh tham gia chiến dịch.
Mặc dù không có khả năng chiến đấu ưu việt nhưng Raptor gần như "vô hình" đối với chiến đấu cơ của đối phương và hệ thống radar giám sát trên mặt đất. Tốc độ của F-22 cũng thuộc hàng đáng nể khi vượt qua tốc độ 1,8 Mach, gần gấp 2 lần tốc độ âm thanh.
Nổi bật với khả năng tác chiến điện tử mạnh mẽ, F-22 dễ dàng làm tê liệt hệ thống radar cũng như các thiết bị điện tử, liên lạc của kẻ thù. Những tín đồ của F-22 cho rằng không quân Mỹ chỉ cần 381 chiếc Raptor để thay thế đội hình chiến đấu cơ lão làng F-15C Eagle.
Lầu Năm Góc còn nhấn mạnh sự xuất hiện của “Chim ăn thịt” khi chụp 2 bức hình trước và sau của một tòa nhà bị F-22 tấn công. Dường như Mỹ muốn cho cả thế giới biết đến sức mạnh vượt trội của “chiếc máy bay đến từ tương lai”.
Bình luận (0)