Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở thủ đô Washington (Mỹ), bà Ann Linde nói trên truyền hình địa phương vào ngày 4-5: "Đương nhiên, tôi sẽ không đi sâu vào bất kỳ chi tiết nào. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rất chắc chắn rằng bây giờ chúng ta có sự đảm bảo của Mỹ".
Bà Linde lưu ý: "Đó không phải là những đảm bảo an ninh đầy đủ, điều đó chỉ được áp dụng nếu là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)... Ý họ muốn nói rằng trong trường hợp Nga có bất kỳ hoạt động tiêu cực nào nhằm vào Thụy Điển, như Moscow từng đe dọa, Mỹ sẽ không để chuyện đó xảy ra... mà không có phản ứng gì".
Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển hồi tháng trước cho biết động thái nộp đơn xin gia nhập NATO có thể dẫn tới một số phản ứng từ Nga.
Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde và người đồng cấp Antony Blinken họp báo tại thủ đô Washington, Mỹ, hôm 4-5. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, bà Linde cho biết Mỹ ủng hộ mạnh mẽ việc Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên của NATO, điều họ cho rằng sẽ tăng cường sự ổn định ở các khu vực Baltic và Bắc Cực. Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển hiện sẽ tới Canada để thảo luận các vấn đề an ninh với chính phủ nước này.
Cả Thụy Điển lẫn Phần Lan đều đang xem xét khả năng gia nhập NATO, dự kiến đưa ra quyết định trong tháng 5. Đây được cho là đánh dấu thay đổi lớn trong chính sách của hai nước Bắc Âu.
Cũng trong ngày 4-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ thảo luận với lãnh đạo các nước khác trong nhóm G7 (nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới, gồm Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada) trong tuần này về khả năng gia tăng trừng phạt Nga vì hành động quân sự ở Ukraine.
Khi được hỏi về dự định của Mỹ sau khi Liên minh châu Âu (EU) đề xuất các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga, bao gồm cả lệnh cấm vận dầu mỏ theo từng giai đoạn, ông Biden nói với báo giới: "Chúng tôi luôn sẵn sàng tiến hành các biện pháp trừng phạt bổ sung. Tôi sẽ nói chuyện với các thành viên của G7 trong tuần này về những gì chúng tôi sẽ làm hoặc không làm".
Theo hãng tin Reuters, Nhà Trắng từ chối cho biết thời điểm ông Biden bàn thảo với các nhà lãnh đạo G7.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters
Song song đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Mỹ vẫn tiếp tục thảo luận với các đối tác về các biện pháp trừng phạt bổ sung và có thể hành động tiếp nhằm gây sức ép đối với Nga.
Bà Yellen không tiết lộ bất kỳ hành động cụ thể nào đang được xem xét.
Theo bà Yellen, việc EU cắt giảm nhập khẩu dầu từ Nga trong năm nay có thể sẽ khiến giá dầu tăng cao. Bà Yellen tin rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Nga và ngăn cản Nga tiếp cận các mặt hàng cần thiết để có thể cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu trong dài hạn.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki từ chối nêu tên bất kỳ nhà tài phiệt nào có thể bị thêm vào danh sách trừng phạt của Mỹ nhưng cho biết Washington đang tiếp tục cân nhắc.
Hồi tháng 4, chính quyền Washington áp trừng phạt với ngân hàng và giới tinh hoa của Nga, cấm người Mỹ thực hiện các khoản đầu tư mới vào Nga, kể cả thông qua hình thức đầu tư mạo hiểm và sáp nhập.
Bình luận (0)