"Mỹ sát cánh cùng các quốc gia Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền đang tìm cách bảo vệ các quyền và lợi ích của họ một cách phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động cho đến khi chúng tôi thấy Bắc Kinh chấm dứt hành động bắt nạt trên biển Đông" – Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho biết.
Cũng theo Ngoại trưởng Pompeo, Bắc Kinh tiếp tục triển khai các hạm đội tàu cá và tàu khảo sát năng lượng, với sự hỗ trợ của quân đội, để hoạt động trong các vùng biển do các nước Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền, cũng như để quấy rối hoạt động phát triển dầu khí hợp pháp của các quốc gia này.
“Mọi quốc gia, bất kể vị thế quân sự và kinh tế, cần được hưởng các quyền và tự do phù hợp với luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, mà không sợ bị bắt nạt” – ông Pompeo nói thêm.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington sẽ triển khai hành động bổ sung nhằm bảo vệ một biển Đông tự do. Ảnh: AP
Cùng ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau hối thúc các nước duy trì một mặt trận thống nhất nhằm chống lại hành vi bắt bớ công dân nước ngoài của Trung Quốc, nói rằng mọi quốc gia đều đối mặt với rủi ro này.
"Canada có quan hệ vững mạnh, không chỉ với Mỹ và với đồng minh trên toàn thế giới, để tiếp tục đặt câu hỏi về chính sách ngoại giao dọa nạt mà Trung Quốc đang sử dụng. Tất cả chúng ta phải sát cánh cùng nhau vì chẳng ai biết được công dân tiếp theo của nước nào sẽ bị bắt" – Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh.
Trước đó, vào tháng 12-2018, Trung Quốc bắt giam 2 công dân Canada với cáo buộc gián điệp. Ottawa thời gian qua liên tục kêu gọi đồng minh và đối tác gây súc ép để Bắc Kinh thả người.
Vụ bắt giữ nêu trên diễn ra sau khi cảnh sát Canada bắt Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ. Bà Mạnh đang đối mặt với những cáo buộc liên quan đến gian lận ngân hàng và vi phạm lệnh trừng phạt Iran.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau kêu gọi các nước trên thế giới cùng nhau chống lại hành vi bắt bớ công dân nước ngoài tùy tiện của Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Bà Syrine Khoury, người phát ngôn của Bộ trưởng Ngoại giao Canada Marc Garneau, mới đây cho biết Ottawa đã đạt được một số thỏa thuận với Bắc Kinh, bao gồm quyền tiếp cận gia tăng dành cho gia đình cũng như lãnh sự quán đối với 2 công dân bị bắt giữ trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, bà Khoury không cung cấp thông tin chi tiết.
Theo bà Khoury, giới chức nhập cư Canada cũng đã cho phép người nhà bà Mạnh đến thăm bà. Canada có các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt hơn nhằm đối phó Covid-19.
Mỹ trừng phạt gã khổng lồ dầu khí Trung Quốc
Chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm 14-1 đưa Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) vào danh sách đen kinh tế, với cáo buộc hỗ trợ Bắc Kinh dọa nạt các nước láng giềng trên biển Đông.
Bên cạnh đưa CNOOC vào dành sách đen, Bộ Thương mại Mỹ còn đưa Công ty Skyrizon (Trung Quốc) vào danh sách “Người dùng quân sự cuối” (MEU) vì công ty này có khả năng phát triển các sản phẩm quân sự, bao gồm động cơ máy bay. Theo đó, Skyrizon sẽ bị hạn chế quyền tiếp cận các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ.
“Cùng với những hành động liều lĩnh và gây hấn trên biển Đông, việc Trung Quốc thúc đẩy tích cực để có được tài sản sở hữu trí tuệ và công nghệ nhạy cảm phục vụ nỗ lực quân sự hóa là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ và an ninh của cộng đồng quốc tế” – Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross nhấn mạnh.
Bình luận (0)