Chương trình này có tên gọi chính thức là chính sách chuyển giao vũ khí quy ước, ra đời nhằm xua tan chỉ trích rằng Bộ Ngoại giao Mỹ thường làm chậm lại các thương vụ bán vũ khí cho nước ngoài. Ngoài ra, chính sách này còn giúp các công ty quốc phòng tư nhân Mỹ trực tiếp bán một số loại vũ khí và máy bay không người lái cho đồng minh mà không phải thông qua chính phủ Mỹ.
Bà Tina Kaidanow, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về chính trị và quân sự, cho biết chính quyền ông Trump đang nỗ lực ủng hộ Washington bán vũ khí cho nước ngoài nhằm củng cố các mối quan hệ đối tác về an ninh và bảo vệ an ninh kinh tế, công ăn việc làm của Mỹ.
Xe tăng M1 Abrams của Mỹ được đưa đến cảng Antwerp - Bỉ Ảnh: DEFENSE NEWS
Phát biểu khi đang dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự triển lãm hàng không Farnborough ở London - Anh từ ngày 16 đến 22-7, bà Kaidanow nhấn mạnh các đối tác lâu đời của Mỹ ở châu Âu và NATO đều công nhận giá trị chiến lược của mối liên hệ giữa các công ty quốc phòng Mỹ và các quân đội nước ngoài.
"Rõ ràng là, các đối tác hiểu được giá trị của khả năng hợp tác với Mỹ và quân đội của chúng ta" - bà Kaidanow khẳng định. Hồi tháng 2 qua, bà Kaidanow cũng dẫn đầu một phái đoàn dự triển lãm hàng không lớn nhất châu Á ở Singapore để thúc đẩy bán vũ khí Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng về quân sự và chính trị.
Phát biểu trên của bà Kaidanow được củng cố bằng những số liệu được Lầu Năm Góc đưa ra, theo đó giá trị các thương vụ vũ khí của công ty Mỹ với nước ngoài trong năm 2017 là 41,9 tỉ USD, tăng 8,3 tỉ USD so với năm trước đó. Nhà chức trách Mỹ hy vọng con số này sẽ tăng lên mức 46 tỉ USD trong năm 2018.
Báo The Washington Times dẫn lời giới chức Mỹ cho biết gần 100 quốc gia khắp thế giới đang sử dụng hệ thống vũ khí do Mỹ chế tạo. Ngoài ra, các công ty quốc phòng Mỹ đang đi đầu về sản xuất máy bay tấn công tiên tiến, đạn dược dẫn đường chính xác và hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân.
Bình luận (0)