Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Mỹ (OFAC) đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với công ty kinh doanh vũ khí hàng đầu của Nga, Rosoboronexport, vào tháng rồi.
Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ sau đó đã ngưng mọi thanh toán kể từ ngày 7-4, khiến gần như toàn bộ giao dịch vũ khí giữa nước này và Nga bị đình trệ.
Các cuộc tham vấn cấp chính phủ đã được tổ chức để giải quyết vấn đề. Các bên cho rằng hợp đồng mua bán vũ khí quan trọng và những chương trình đang diễn ra, như chế tạo, sửa chữa tàu ngầm, tên lửa và tàu chiến không thể tiếp tục trừ khi tiền được chuyển đi.
Tuy nhiên, lệnh trừng phạt của Mỹ buộc các ngân hàng Ấn Độ phải đóng băng toàn bộ dòng tín dụng đối với các công ty vũ khí của Nga.
Hậu quả, các khoản thanh toán trị giá hơn 100 triệu USD giữa Moscow và New Delhi đã bị ngăn chặn trong chưa đầy 1 tháng qua và lệnh trừng phạt nói trên sẽ ảnh hưởng đến các giao dịch trị giá hơn 2 tỉ USD trong những tháng tới nếu vấn đề không được giải quyết.
Hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga. Ảnh: PTI
Các bên liên quan đang xem xét thành lập một ngân hàng chuyên biệt để thực hiện các khoản thanh toán liên quan đến quốc phòng. Tuy nhiên, đến hiện tại, chưa có giải pháp cụ thể nào được thông qua.
Bộ Quốc phòng và Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ không bình luận khi được truyền thông đặt câu hỏi.
Trong khi đó, giới lãnh đạo Ấn Độ đang xem xét đề nghị Washington không áp dụng Đạo luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) đối với thương vụ mua hệ thống phòng không S-400 tiên tiến từ Nga. Với New Delhi, thỏa thuận 5,5 tỉ USD này đóng vai rất quan trọng vì nó giúp lấp đầy khoảng trống của mạng lưới phòng không.
Trong khi giao dịch thương mại vũ khí với Nga đã giảm trong vài năm qua, Moscow vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của New Delhi, theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).
Trong báo cáo mới nhất, SIPRI liệt kê Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Ấn Độ, chiếm 62% tổng lượng vũ khí nhập khẩu của nước này trong giai đoạn 2013-2017. Ngoài ra, Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, trên cả Ả Rập Saudi.
Bình luận (0)