Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc Washington thúc ép Islamabad "ngưng ủng hộ các nhóm khủng bố" có thể không mang lại kết quả đáng kể nào. Trái lại, sức ép này chỉ càng khiến quan hệ hai nước thêm trục trặc và giúp Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở khu vực.
Phát biểu tại căn cứ quân sự Fort Myer, bang Virginia hôm 21-8, nhà lãnh đạo Mỹ từ bỏ kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan, trong lúc cảnh báo Washington sẽ không còn im lặng trước việc Islamabad trở thành "nơi trú ẩn an toàn" của bọn khủng bố, phong trào Taliban và những nhóm đang đe dọa an ninh khu vực.
Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tiếp bà Tehmina Janjua, quan chức Bộ Ngoại giao Pakistan tại Bắc Kinh hôm 21-8 Ảnh: Daily Pakistan Global
Ông Donald Trump không nói rõ sẽ làm gì để buộc Pakistan làm theo. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này có thể dọa ngưng viện trợ quân sự cho Islamabad trong chiến dịch chống khủng bố nhằm vào nhóm Tehrik-i-Taliban Pakistan (TTP), các tay súng Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng Pakistan hiện không còn dễ tổn thương trước sức ép của Mỹ. Kể từ sau cuộc bố ráp tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden của đặc nhiệm Mỹ trên lãnh thổ Pakistan hồi tháng 5-2011, Islamabad đã củng cố quan hệ với Qatar, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng minh Washington.
Ngoài ra, ông Arif Rafiq, chuyên gia tại Viện Trung Đông (Mỹ), giải thích với tờ South China Morning Post rằng Islamabad hiện có nền kinh tế "khỏe mạnh hơn nhiều" và một mối quan hệ vững chắc, đa chiều hơn với Bắc Kinh. Trong thời gian tới, theo ông Rafiq, Pakistan có thể đẩy mạnh hơn nữa quan hệ với Trung Quốc để chống lại sức ép của Mỹ.
Phản ứng của Bắc Kinh đối với tối hậu thư nêu trên không có gì lạ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không chỉ bảo vệ "thành tích" chống khủng bố của Pakistan mà còn thúc giục Washington - Islamabad hợp tác tiêu diệt các nhóm cực đoan dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 23-8, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng cần tôn trọng chủ quyền và những quan ngại an ninh của Pakistan.
Theo một số chuyên gia, nỗi lo của Bắc Kinh là dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan, ước tính trị giá 62 tỉ USD trong 15 năm, chịu tác động tiêu cực trong trường hợp Islamabad và Washington căng thẳng. Mở rộng ra, theo ông Rafiq, Trung Quốc còn quan ngại về lập trường của ông Donald Trump đối với cuộc chiến Afghanistan.
Bài diễn văn nêu trên của nhà lãnh đạo Mỹ không nhắc đến Trung Quốc dù nước này từng tham gia tiến trình hòa giải với Taliban và hứa hẹn đầu tư vào nước láng giềng Afghanistan. Thay vào đó, ông chủ Nhà Trắng lại đề nghị Ấn Độ tăng cường hỗ trợ kinh tế cho Afghanistan dù 2 quốc gia này không có chung biên giới. Các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc có thể nghi ngờ Mỹ muốn Ấn Độ đóng vai trò là đối trọng, không chỉ với Pakistan mà còn cả Trung Quốc cùng sáng kiến "Vành đai và Con đường".
Bình luận (0)