Căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Sputnik
“Những vũ khí hạt nhân tiếp tục hiện diện ở 5 vị trí ở châu Âu, đặc biệt là ở Thổ Nhĩ Kỳ, đang làm gia tăng nghiêm trọng nguy cơ chúng có thể bị khủng bố hoặc các lực lượng thù địch” - các chuyên gia của Trung tâm Stimson cho biết trong báo cáo ngày 15-8 mang tên "B61 Life Extension Program: Costs and Policy Considerations” (Tạm dịch: Chương trình Kế hoạch sửa đổi bom B61: Phí tổn và Cân nhắc chính sách).
Trong tuyên bố đi kèm với báo cáo nói trên, nhóm chuyên gia nhấn mạnh xung đột kéo dài ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến số phận của những vũ khí hạt nhân trở nên nguy hiểm. Tuyên bố này rõ ràng đề cập tới cuộc đảo chính bất thành hôm 15-7 và những diễn biến phức tạp sau đó ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Căn cứ không quân Incirlik sát biên giới Syria nói trên chịu tác động đáng kể từ sự việc hôm 15-7. Cựu chỉ huy căn cứ - tướng Bekir Ercan Van - đã bị bắt vì cáo buộc liên quan tới âm mưu đảo chính trong khi giới chức chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cắt nguồn cung cấp điện cho căn cứ này và cấm máy bay Mỹ cất cánh sau cuộc đảo chính.
Cựu chỉ huy căn cứ Incirlik- Tướng Bekir Ercan Van đã bị bắt. Ảnh: Reuters
Đồng tác giả của báo cáo trên, bà Laicie Heeley nói: “Khoảng 50 quả bom hạt nhân (B61) của Mỹ được lưu giữ ở căn cứ Không quân Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ cách biên giới Syria hơn 110km. Những vũ khí này không có bất cứ lợi ích gì đối với mặt trận châu Âu ngoài để thể hiện trách nhiệm với các đồng minh NATO”.
Theo lời nữ chuyên gia, trong bối cảnh một vụ đảo chính, không thể chắc chắn rằng Mỹ có thể duy trì khả năng kiểm soát những quả bom nói trên.
Đồng thời, Trung tâm Stimson đề xuất đưa toàn bộ số bom B61 rời khỏi châu Âu. Tổng cộng 180 quả bom loại này đã “trú ngụ” ở Bỉ, Ý, Đức, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Các chuyên gia nhấn mạnh động thái di dời này sẽ giúp tiết kiệm hơn 6 tỉ USD.
Trong khi Lầu Năm Góc không bình luận về câu chuyện địa điểm cất giữ các vũ khí hạt nhân, số bom nói trên được cho là được bố trí ở Incirlik nhằm răn đe Nga và thể hiện cam kết của Mỹ với các thành viên của khối 28 quốc gia NATO, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ. Vấn đề hạt nhân ở Incirlik cũng đang hâm nóng các cuộc tranh cãi tại Mỹ kể từ khi nổ ra cuộc đảo chính hôm 15-7.
Bình luận (0)