Sáng kiến điều tra tình hình chiến lược biển Đông (SCSPI), tổ chức nghiên cứu thuộc Trường ĐH Bắc Kinh, khẳng định 3 máy bay quân sự Mỹ, gồm máy bay trinh sát EP-3, máy bay chống tàu ngầm P-8A và máy bay tiếp nhiên liệu KC-135, xuất hiện ở eo biển Ba Sĩ từ 10 giờ đến 12 giờ (giờ địa phương) hôm 26-6.
Theo biểu đồ được đăng lên mạng, SCSPI cho hay 3 máy bay quân sự Mỹ bay vào phía Tây Nam vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan hướng đến eo biển Ba Sĩ rồi ra biển Đông.
Máy bay chống tàu ngầm P-8A của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ
Một nguồn tin an ninh từ Đài Loan cho biết không quân Mỹ (USAF) dường như đang thực hiện các sứ mệnh chung liên quan nhiệm vụ chống tàu ngầm. Nguồn tin này cho hay: "Máy bay Mỹ liên tục do thám giữa eo biển Ba Sĩ và biển Đông cho thấy USAF có thông tin tình báo về sự di chuyển của tàu ngầm Trung Quốc trong khu vực".
Nhà nghiên cứu Su Tzu-yun thuộc Viện nghiên cứu an ninh quốc phòng (Đài Loan) nhận định tàu ngầm tên lửa đạn đạo Trung Quốc có thể tấn công Mỹ từ vùng biển Philippines đến phía Đông Đài Loan và vùng biển khác trong khu vực như eo biển Miyako, do đó eo biển Ba Sĩ có thể trở thành nơi tập trung của các hoạt động quân sự.
Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á đã vượt qua Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đây là động thái cân bằng của lãnh đạo các nước Đông Nam Á trong bối cảnh vực dậy kinh tế do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng không quá phụ thuộc vào thương mại Trung Quốc.
ASEAN trở thành đối tác ngày càng quan trọng với Trung Quốc trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung kéo dài. Ảnh: AP
Ông Carl Thayer, một chuyên gia về Đông Nam Á và là giáo sư nghiên cứu chính trị tại Trường ĐH New South Wales (Úc), cho biết kế hoạch phục hồi kinh tế khu vực là ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Theo ông Collin Koh, nhà nghiên cứu của Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam thuộc Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), thương mại là chìa khóa để phục hồi và các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ không để các vấn đề chính trị cản trở mục tiêu lớn đó.
Ông Thayer cho rằng các nhà lãnh đạo ASEAN muốn đạt được Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc dẫn đầu vào cuối năm nay như một cách để giải quyết các vấn đề kinh tế của họ. Tuy nhiên, về lâu dài, ông Koh cho hay ASEAN cần rút ra bài học từ đại dịch Covid-19 như tác động của sự gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu đa dạng hóa.
Bình luận (0)