Mỹ tiếp tục có những phát biểu, động thái cứng rắn nhằm vào Trung Quốc giữa lúc quan hệ hai nước căng thẳng. Phát biểu tại Diễn đàn Brussels 2020 trực tuyến hôm 25-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết mối đe dọa của Trung Quốc đối với Ấn Độ, các nước Đông Nam Á và biển Đông là một trong những lý do chính khiến Mỹ có động thái giảm quân số ở châu Âu. Theo ông Pompeo, quyết định cắt giảm binh sĩ ở Đức của Mỹ là một phần trong chiến lược được cân nhắc kỹ lưỡng và lực lượng này sẽ được chuyển đến những nơi khác.
Gọi sự bành trướng của Trung Quốc là "thách thức của thời đại chúng ta", ông Pompeo nhấn mạnh Mỹ muốn bảo đảm có đủ nguồn lực để đối phó. Trước đó, ông Pompeo vào tuần rồi chỉ trích Trung Quốc tăng cường quân sự hóa ở biển Đông và gây căng thẳng với Ấn Độ ở khu vực biên giới tranh chấp. Phát biểu trên được đưa ra giữa lúc 3 nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ được triển khai cùng lúc đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương lần đầu tiên trong 3 năm qua.
Cũng trong ngày 25-6, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt những cá nhân, công ty nào ủng hộ Trung Quốc làm suy yếu sự tự chủ của Hồng Kông. Dự luật còn cần được sự phê duyệt của Hạ viện Mỹ trước khi Tổng thống Donald Trump ký thành luật. Đây được xem là hành động đáp trả việc Bắc Kinh ban hành luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông.
Các binh sĩ Mỹ tại sân bay Nuernberg - Đức hôm 22-6 Ảnh: Quân đội Mỹ
Những diễn biến trên đe dọa dẫn đến thêm phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc. Theo tờ The New York Times (Mỹ), một loạt động thái khiêu khích gần đây của Bắc Kinh ở khu vực là nhằm gửi thông điệp đến Mỹ. Căng thẳng tại khu vực tranh chấp ở biên giới Trung Quốc - Ấn Độ vẫn còn âm ỉ theo sau vụ đụng độ đẫm máu hôm 15-6. Còn tại biển Hoa Đông, một tàu ngầm Trung Quốc bị phát hiện tuần tra ở đó vào tuần rồi - lần đầu tiên kể từ năm 2018. Động thái này diễn ra theo sau những căng thẳng gia tăng liên quan đến quần đảo Senkaku đang được Nhật Bản kiểm soát nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.
Một số chuyên gia nhận định mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới đang ở thời điểm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hai nước đã đánh thuế lên hàng hóa của nhau từ năm 2018 và cuộc chiến thuế leo thang thành chiến tranh thương mại, lan sang những lĩnh vực khác như công nghệ và tài chính. Gần đây hơn, căng thẳng Mỹ - Trung còn trở nên tồi tệ hơn khi Washington cáo buộc Bắc Kinh không cảnh báo thế giới sớm hơn về dịch Covid-19 và che giấu quy mô dịch bệnh này.
"Mỹ và Trung Quốc đang hướng đến cuộc chiến tranh lạnh mới, có thể gây tổn hại cho thế giới nhiều hơn so với cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Washington và Liên Xô vào cuối Thế chiến thứ hai" - ông Alan Dupont, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn rủi ro Cognoscenti (Úc), hôm 26-6 nhận định với đài CNBC. Một số nhà phân tích khác cảnh báo cuộc đối đầu này càng thêm sóng gió khi ông Donald Trump dự kiến theo đuổi lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc trong nỗ lực tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai tại cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.
Mỹ - EU sẽ đối thoại về Trung Quốc
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã chấp nhận đề xuất tiến hành cuộc đối thoại chính thức về vấn đề Trung Quốc do ông Josep Borrell, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại, đưa ra. Đó là thông tin từ ông Pompeo tại Diễn đàn Brussels 2020. Nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ cho biết ông sẽ sớm đến châu Âu để hai bên tiến hành cuộc thảo luận đầu tiên.
Theo Reuters, ông Pompeo cho biết cuộc đối thoại Mỹ - EU này sẽ chia sẻ thông tin về Trung Quốc nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Dù vậy, ông không quên thúc giục EU hành động để đối phó Bắc Kinh sau khi cáo buộc nước này đánh cắp tài sản trí tuệ ở châu Âu và lạm dụng hệ thống thương mại dựa trên các quy tắc.
Bình luận (0)