Việc làm này của ông Aquino sẽ cho phép chính phủ sử dụng kinh phí nhà nước để bình ổn giá cả. Chính phủ đã huy động ngân sách 18,7 tỉ peso (khoảng 9.119 tỉ đồng) để khắc phục thiệt hại sau bão. Hàng trăm binh sĩ cũng được triển khai tại thành phố Tacloban – nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất – để đối phó nạn cướp bóc và hôi của.
Cùng ngày, quân đội Mỹ đã đưa đến Philippines nhiều máy bay chở hàng quân sự vận chuyển thực phẩm, vật tư y tế và nước cho các nạn nhân. Bộ Quốc phòng Mỹ còn lệnh cho tàu sân bay USS George Washington - có 5.000 thủy thủ và hơn 80 máy bay - đang ở thăm Hồng Kông lên đường đến Philippines vào tối 11-11.
"Đồng hành cùng tàu sân bay sẽ là các tàu tuần dương USS Antietam, USS Cowpens và tàu khu trục USS Mustin. Tàu tiếp tế USNS Charles Drew cũng đang trên đường di chuyển và sẽ hợp với nhóm tàu trên khi gặp nhau" - thông báo của Lầu Năm Góc cho biết, nhấn mạnh các tàu sẽ cập bến trong khoảng 48-72 giờ. USS Lassen, một tàu khu trục khác, hôm qua cũng đã lên đường đến khu vực bị bão tàn phá ở Philippines.
Thủ tướng Anh David Cameron thông báo tàu khu trục HMS Daring của nước này sẽ "chạy hết tốc lực" đến Philippines để hỗ trợ các chiến dịch cứu trợ. Ngoài ra còn có máy bay vận tải C-17. Đồng thời, Anh cũng nâng số tiền hỗ trợ cho Philippines từ 6 triệu bảng (9,6 triệu USD) lên 10 triệu bảng.
Cảnh hoang tàn sau bão. Ảnh crisisforums.org
Theo nguồn tin từ phía quân đội Philippines hôm 11-11, ít nhất 942 người đã thiệt mạng vì bão Haiyan và con số này có thể tăng mạnh sau các cuộc tìm kiếm thi thể nạn nhân. Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn lời quan chức nước này lo sợ con số thương vong sẽ còn nhảy vọt, thậm chí vượt xa ước tính 10.000 người tử nạn của chức thành phố Tacloban, tỉnh Leyte.
Hiện nhiều khu vực thuộc hai tỉnh Samar và Leyte đã bị tàn phá nặng nề và con số thương vong cụ thể vẫn chưa xác định được. Theo Liên Hiệp Quốc, khoảng 9,8 triệu người dân Philippines bị ảnh hưởng, 660.000 người mất nhà cửa và nhiều người không có cả lương thực và thuốc men. Quỹ ứng phó khẩn cấp của Liên Hiệp Quốc đã chi 25 triệu USD để cứu trợ người dân Philippines.
Thông tin từ Manila cho biết các đội cứu hộ đang cố gắng tiếp cận các thị trấn và làng mạc ở miền Trung. Đây là những nơi đang bị cô lập do hệ thống giao thông, sân bay và cầu đường chìm trong đống đổ nát. Những vùng xa xôi, như thị trấn Guiuan với dân số 40.000 ở miền Đông tỉnh Samar, đã bị phá hủy nặng nề nhưng vẫn chưa nhận được bất kỳ sự cứu trợ nào cho đến giờ. Một thị trấn ven biển khác ở Samar là Basey cũng bị bão Haiyan san bằng. Thống đốc tỉnh Samar cho biết địa phương này có khoảng 2.000 người mất tích.
Trẻ em Philippines kêu gọi cứu trợ. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Somalia cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp và kêu gọi viện trợ quốc tế khi một cơn bão nhiệt đới quét qua vùng bán tự trị Puntland nước này cuối tuần qua khiến ít nhất 100 người thiệt mạng. Chính phủ cho biết hàng trăm người bị mất tích sau khi cơn bão đổ bộ vào ngày 10-11.
"Nhà ở và vật nuôi đã bị cuốn trôi xuống biển bởi lũ lụt. Chúng tôi kêu gọi sự viện trợ từ các cơ quan của Liên Hiệp Quốc để hỗ trợ các nạn nhân " - Tổng thống Abdirahman Mohamud Farole tuyên bố.
Bình luận (0)