Cục Giám sát Tiền tệ (OCC), một đơn vị riêng của Bộ Tài chính Mỹ có chức năng giám sát các ngân hàng lớn của nước này, đã mở cuộc điều tra hệ thống chống rửa tiền của Ngân hàng JP Morgan Chase & Co với nghi vấn ngân hàng này sơ suất để bọn tội phạm rửa tiền trong quá khứ.
Chiến dịch lớn nhất
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin giấu tên cho biết cuộc điều tra tập trung vào nhân viên và bộ máy chống rửa tiền của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ bị nghi ngờ không hoàn thành nhiệm vụ.
Cuối tuần qua, nhật báo The New York Times (NYT) cho biết ngoài JP Morgan Chase & Co, một đại gia khác là Bank of America cũng nằm trong tầm ngắm của OCC. Hành động được cho là quyết liệt của OCC là một phần trong chiến dịch chống bọn tội phạm ma túy và khủng bố lợi dụng những sơ hở trong hệ thống ngân hàng Mỹ để rửa tiền. Đây là chiến dịch sâu rộng nhất của Mỹ trong nhiều thập niên qua.
NYT cho biết thêm sở dĩ JP Morgan Chase & Co bị soi kỹ một phần vì năm ngoái đã từng bị tố cáo chuyển tiền bất hợp pháp cho các nước bị Liên Hiệp Quốc cấm vận như Iran, Cuba. Ngoài OCC, Bộ Tư pháp và Cơ quan Công tố quận Manhattan - New York, cũng đang điều tra nhiều đơn vị tài chính Mỹ về nghi vấn đã tắc trách, để cho bọn xấu rửa tiền.
Mục đích của OCC là đánh tiếng với các đại gia trong ngành ngân hàng và tài chính Mỹ rằng việc không tuân thủ Luật Bí mật ngân hàng, các lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ và của Liên Hiệp Quốc là “không thể chấp nhận”.
JP Morgan Chase & Co trong tầm ngắm của OCC. Ảnh: REUTERS
JP Morgan đã có “tiền án”
Cuộc điều tra đã gây áp lực lớn đối với ông Jamie Dimon, Tổng Giám đốc điều hành JP Morgan Chase & Co. Từng nổi danh điều hành một trong những ngân hàng an toàn nhất của Mỹ, uy tín ông này đã bị lung lay sau khi để thất thoát 5,8 tỉ USD trong một thương vụ của bộ phận đầu tư hồi đầu năm và bị Ủy ban Điều tra Thường trực của thượng viện săm soi.
Tháng 8 năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ đã từng phạt JP Morgan Chase & Co 88,3 triệu USD vì “vi phạm trắng trợn” chương trình cấm vận kinh tế của Mỹ. Theo bộ tài chính, JP Morgan đã “phá” lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba bằng cách chuyển 178,5 triệu USD cho Cuba trong 2 năm 2005 và 2006.
Mặc dù năm 2005, ngân hàng đã phát hiện sơ suất của mình nhưng vẫn bị phạt vì “không báo cáo vấn đề lên cấp trên”. Năm 2009, ngân hàng này lại bị bộ tài chính phát hiện cho một ngân hàng có quan hệ với công ty hàng hải của chính phủ Iran vay 2,9 triệu USD.
Với những “tiền án tiền sự” như thế, năm 2011, bộ tài chính ra tuyên bố phê bình “cán bộ quản lý và giám sát (của Ngân hàng JP Morgan) hành động có ý thức dẫn đến các sai phạm và coi thường (quy chế) dẫn đến việc không hành động một cách thận trọng cần thiết”.
Bộ máy chống rửa tiền có vấn đề
Tháng 4 vừa qua, OCC đã ra lệnh cho Ngân hàng Citigroup, một trong “tứ đại thiên vương” ngân hàng Mỹ, phải nhanh chóng bịt các lỗ hổng sau khi phát hiện ngân hàng này sơ suất trong việc giám sát các khoản chuyển tiền mặt. Lúc đó, một cán bộ Citigroup cho biết sự cố xảy ra sau khi một máy vi tính của hệ thống chống rửa tiền không rõ vô tình hay cố ý bị tháo ra. Ngân hàng không xác nhận mà cũng không phủ nhận việc này.
Ông Jamie Dimon đau đầu với vụ điều tra mới nhất. Ảnh: AP
Chính vì những sự cố bí hiểm đó mà OCC muốn biết vấn đề có “ăn sâu” vào hệ thống ngân hàng Mỹ hay không và liệu bọn tội phạm có khả năng khai thác các lỗ hổng đó đến đâu.
Mấy tháng trước, tòa án bang Texas đã mở phiên tòa xét xử vụ án bọn tội phạm ma túy Mexico dùng 2 tài khoản của Bank of America để chuyển tiền mua ngựa đua. Đây là một vụ nhỏ nhưng có những vụ lớn hơn mà các nhà điều tra Mỹ nghi ngờ là có nhưng chưa phát hiện.
Trưởng đoàn thanh tra OCC là một người nổi tiếng “không khoan nhượng” với các đại gia ngân hàng về vấn đề chống rửa tiền. Thời điểm điều tra trùng hợp với việc thuyên chuyển ông William Langford từ trưởng bộ phận chống rửa tiền toàn cầu của JP Morgan từ năm 2006, sang làm trưởng Ban Tư vấn JP Morgan đã gây thắc mắc trong giới.
Tuy nhiên, theo một nguồn tin thân cận ngân hàng, việc chuyển đổi vị trí ông Langford không liên quan đến cuộc điều tra vì nó nằm trong kế hoạch luân chuyển cán bộ chủ chốt của ngân hàng từ lâu.
Có thể, ông Langford sẽ không ở lại JP Morgan lâu. Theo Reuters, gần đây, ông được xem là ứng cử viên nặng ký chức cục trưởng Cục Chống rửa tiền (FINCEN) của bộ tài chính.
Bình luận (0)