Người phát ngôn tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) hôm 3-10 cho biết cuộc không kích trên đã đánh trúng cơ sở y tế của họ ở TP Kunduz, phía Bắc Afghanistan giết 19 nhân viên và bệnh nhân, trong đó có 3 trẻ em. Ngoài ra, nhiều người bị thương và một số người mất tích sau vụ việc.
Quân đội Mỹ cho biết họ tiến hành không kích “trong vùng lân cận” với bệnh viện trên, nhắm mục tiêu là các chiến binh Taliban, những người nhắm bắn trực tiếp vào binh sĩ Mỹ. Hiện cuộc điều tra có không kích nhầm vào bệnh viện không đang được tiến hành, trong khi đó Nhà Trắng nói trong thông cáo rằng họ hy vọng sớm có bản thống kê đầy đủ về sự kiện và hoàn cảnh của vụ tai nạn đau lòng trên. “Thay mặt những người dân Mỹ, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến các chuyên gia y tế và thường dân bị giết, bị thương trong sự cố bi thảm tại cơ sở y tế MFS ở TP Kunduz, phía Bắc Afghanistan” – Tổng thống Obama nói trong thông cáo do Nhà Trắng ban hành. Bộ Quốc phòng Afghanistan bày tỏ chia buồn về vụ việc trên.
Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người Zeid Ra'ad Al Hussein dẫn đầu một loạt các chỉ trích, lên án mạnh mẽ vụ việc. Tuy không bêu rếu tên lực lượng bị nghi thực hiện cuộc không kích nhưng ông Zeid Ra'ad Al Hussein lưu ý rằng tấn công vào bệnh viện chẳng khác nào tội phạm chiến tranh. “Vụ này thật bi thảm, không thể tha thứ được, thậm chí cần xử lý hình sự” - ông Zeid Ra'ad Al Hussein nhấn mạnh.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi một cuộc điều tra kỹ lưỡng và vô tư. Theo MSF, một phần trung tâm điều trị chấn thương của họ đã bị máy bay Mỹ phá hủy. Tổ chức từ thiện này mô tả bom trút xuống liên tục và cơ sở của họ bị đánh trúng “vài lần”. Giám đốc MSF Bart Janssens tuyên bố: “Chúng tôi vẫn đang bị sốc nặng bởi cuộc tấn công. Nhân viên của chúng tôi thiệt mạng và cơ sở ty tế bị hư hại nghiêm trọng”. MSF cho biết họ đã đưa vị trí bệnh viện cho cả Afghanistan và phía liên quân do Mỹ dẫn đầu vài lần trong vài tháng qua nhưng vẫn không tránh khỏi bị tấn công nhầm.
Trong diễn biến khác, Nga vẫn đang thực hiện nhiều đợt không kích chống lại IS ở Syria. Mới đây, Trung Quốc cũng gửi đề nghị tới Nga để đưa máy bay chiến đấu J-15 của nước này tham gia chiến dịch chống IS. Như vậy, đến nay tham gia sát cùng Nga chống IS ở Syria đã có: Iran, Iraq, Syria, Hezbollah, Trung Quốc.
Bình luận (0)