Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Úc, Ấn Độ và Nhật Bản trong nhóm "Bộ tứ kim cương" đã thảo luận trực tuyến về "sự gây hấn" và "hành động cưỡng ép" của Trung Quốc đối với các thành viên trong nhóm hôm 12-3.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết trong một cuộc họp báo tại Washington sau cuộc hội đàm trực tuyến rằng Tổng thống Biden, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Scott Morrison đã đề cập việc Trung Quốc có hành động gây sức ép lên Úc, quấy rối quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản và gây hấn ở biên giới Ấn Độ.
Nhóm này ra thông báo chung kêu gọi khu vực gìn giữ các giá trị dân chủ, lấy tự do hàng hải và hàng không làm các mục tiêu chính, đồng thời tránh mọi liên quan trực tiếp đến Trung Quốc. Tại cuộc họp, các lãnh đạo 4 nước cũng đã thỏa thuận về chương trình cung cấp tài chính và các hỗ trợ khác để sản xuất và phân phối vắc-xin trong khu vực nhằm chống lại chiến dịch ngoại giao vắc-xin của Trung Quốc.
Cuộc họp thượng đỉnh diễn ra vài ngày sau khi ông Biden công bố tài liệu chính sách an ninh quốc gia "tạm thời", trong đó nhấn mạnh sự cần thiết về việc Washington tăng cường liên minh với các nước dân chủ và gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng hợp tác kinh tế, ngoại giao, quân sự và sức mạnh công nghệ".
Tổng thống Joe Biden họp trực tuyến với các lãnh đạo Úc, Nhật Bản và Ấn Độ tại Nhà Trắng - Mỹ hôm 12-3 Ảnh: REUTERS
Song song đó, Mỹ cũng đang hướng đến việc tăng cường sự hiện diện quân sự ở Ấn Độ - Thái Bình Dương trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden định hình kế hoạch kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng đây có thể là thách thức đối với Mỹ khi Washington tiếp tục thúc đẩy vai trò quân sự ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và một số quốc gia trong khu vực lo ngại bị kéo vào cuộc xung đột giữa hai cường quốc kinh tế thế giới.
Trong khi Lầu Năm Góc vẫn đang xem xét chính sách về Trung Quốc thông qua một lực lượng đặc nhiệm mới gồm 15 thành viên, các quan chức quân sự Mỹ trong những tuần gần đây đã thể hiện lập trường cứng rắn khi kêu gọi chuyển nguồn lực sang Thái Bình Dương để duy trì "lợi thế cạnh tranh" trước Trung Quốc.
Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, hồi đầu tháng này trình lên Quốc hội Mỹ đề xuất chi tiêu bổ sung 27,3 tỉ USD xây dựng quân đội mới và tăng cường hợp tác với các đồng minh để duy trì lợi thế trước Trung Quốc, bao gồm 4,6 tỉ USD cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương. Ông Davidson cũng cảnh báo rằng Mỹ đang mất lợi thế quân sự trước Trung Quốc trong khu vực.
Theo tờ South China Morning Post, ông Kashish Parpiani, thành viên nghiên cứu của Tổ chức Nghiên cứu Người quan sát (Ấn Độ), nhận định những phát ngôn gần đây của các quan chức quân sự Mỹ là "đáng khích lệ", đặc biệt là khi xuất hiện những lo ngại chính quyền ông Biden sẽ chuyển trọng tâm ra khỏi Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Ông Parpiani cho rằng bình luận của ông Davidson và việc đề cử Đô đốc John Aquilino, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, làm tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương cho thấy chính quyền ông Biden có ý định tiếp tục tận dụng các hoạt động tự do hàng hải không chỉ là động thái phản ứng trước những thách thức từ Trung Quốc mà còn chứng minh sự hiện diện của Hải quân Mỹ trong khu vực.
Theo ông Parpiani, việc Đô đốc Davidson thúc đẩy tăng ngân sách chi tiêu tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cho thấy Lầu Năm Góc dường như đang tìm cách củng cố sự tín nhiệm của Mỹ trước cuộc cạnh tranh giữa Hải quân Mỹ với các hạm đội của Trung Quốc ở biển Đông vào mùa hè sắp tới.
Bình luận (0)