Theo đó, Mỹ sẽ thay đổi ưu tiên chiến lược sau hơn 15 năm tập trung đối phó các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Trong lúc công bố "Chiến lược Quốc phòng Quốc gia" mới nhằm đề ra những ưu tiên của Lầu Năm Góc trong nhiều năm tới, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã mô tả Trung Quốc và Nga là "những thế lực xét lại… tìm cách tạo ra một thế giới mới phù hợp với những mô hình độc đoán của họ".
"Chúng ta vẫn tiếp tục chiến dịch chống khủng bố nhưng cuộc cạnh tranh quyền lực khốc liệt mới là ưu tiên hàng đầu của an ninh quốc gia Mỹ trong chiến lược quốc phòng mới" – ông Mattis tuyên bố.
Theo Reuters, chiến lược quốc phòng mới thể hiện sự cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc giải quyết những thử thách xuất phát từ Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, chiến lược mới này không đề cập chi tiết đến việc Mỹ sẽ chuyển hướng tập trung đối phó với Trung Quốc và Nga như thế nào.
Nhóm tàu sân bay tác chiến USS Ronald Reagan (CVN 76), USS Theodore Roosevelt (CVN 71) và USS Nimitz (CVN 68) cùng xuất hiện tại khu vực Tây Thái Bình Dương ngày 12-11-2017. Ảnh: Reuters
Chính sách này được công bố trong bối cảnh Tổng thống Trump nỗ lực cải thiện quan hệ với Moscow và Bắc Kinh để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Phát biểu về chiến lược mới của Mỹ tại cuộc họp báo ở Liên Hiệp Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói rằng Washington đang theo đuổi một hướng tiếp cận đối đầu.
"Thật đáng tiếc. Thay vì đám phán thông thường, thay vì sử dụng cơ sở của luật pháp quốc tế, Mỹ lại muốn chứng minh sự lãnh đạo của họ thông qua những khái niệm và hướng tiếp cận đối đầu" – ông Lavrov khẳng định, đồng thời nói thêm rằng Nga vẫn để mở khả năng đàm phán với Mỹ.
Hiện Trung Quốc vẫn chưa bình luận về chiến lược mới của Mỹ.
Ngoài Bắc Kinh và Moscow, chiến lược mới của Washington cũng đưa Bình Nhưỡng vào danh sách ưu tiên đối phó của Lầu Năm Góc. Chiến lược mới nêu rõ Mỹ cần tập trung vào hệ thống phòng chống tên lửa để đối phó với mối đe dọa đến từ Triều Tiên, quốc gia mà họ khẳng định là nguy hiểm vì sở hữu không chỉ vũ khí hạt nhân mà còn vũ khí sinh học, hóa học bên cạnh những vũ khí truyền thống khác.
Ông Jim Mattis. Ảnh: Reuters
Cũng theo chiến lược mới của Mỹ, liên minh quốc tế là vô cùng quan trọng đối với quân đội nước này. Mặc dù trước đây Tổng thống Trump từng chê NATO "lỗi thời", Bộ trưởng Quốc phòng Mattis hôm 19-1 khẳng định Mỹ sẽ củng cố quan hệ với những đồng minh lâu năm trong lúc xây dựng quan hệ đồng minh mới và chú ý đến ý kiến của những quốc gia khác hơn.
Bên cạnh đó, ông Mattis còn chỉ trích gay gắt Quốc hội Mỹ về việc không đạt được những thỏa thuận về ngân sách quốc phòng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng năng lực cạnh tranh của Mỹ đã bị xói mòn trong "mọi lĩnh vực trên chiến trường" một phần là do kinh phí không nhất quán. Khoảng cách chi tiêu và ngân sách ngắn hạn, theo ông Mattis, gây ảnh hưởng xấu đến khả năng sẵn sàng tác chiến của quân đội Mỹ hơn bất cứ yếu tố nào khác trong suốt 16 năm qua.
Tuy nhiên, chi phí quốc phòng mỗi năm của Mỹ vẫn lớn hơn nhiều so với Nga và Trung Quốc. Theo Reuters, Mỹ đang chi 587,8 tỉ USD/năm cho quốc phòng trong khi con số này ở Trung Quốc và Nga lần lượt là 161,7 tỉ USD và 44,6 tỉ USD.
Bình luận (0)