Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 26-7 cho biết các lực lượng Mỹ ở Iraq sẽ kết thúc nhiệm vụ chiến đấu vào cuối năm nay nhưng vẫn tiếp tục huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng Iraq. Ông Biden cũng nhấn mạnh hợp tác chống khủng bố giữa hai nước sẽ tiếp tục ngay cả khi chuyển sang giai đoạn mới này.
Trước chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi nói với hãng tin AP rằng không cần bất kỳ lực lượng tác chiến nước ngoài nào ở lại Iraq. Theo ông al-Kadhimi, những gì Iraq mong muốn từ sự hiện diện của Mỹ ở nước này là hỗ trợ đào tạo, phát triển năng lực của các lực lượng Iraq cũng như hợp tác về an ninh.
Một tuyên bố chung giữa Mỹ và Iraq cho biết mối quan hệ an ninh hai nước sẽ tập trung vào đào tạo, cố vấn và chia sẻ thông tin tình báo.
Tổng thống Joe Biden (phải) trong cuộc gặp với Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi tại Nhà Trắng ở Washington - Mỹ hôm 26-7 Ảnh: REUTERS
Mỹ đang duy trì 2.500 binh sĩ tại Iraq với nhiệm vụ chính là đối phó các tay súng Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng còn cố thủ ở khu vực. Tuy nhiên, ông Biden không cho biết liệu ông có dự định giảm quân số ở Iraq hay không.
Quân đội Mỹ đã rút khỏi Iraq vào năm 2011 và trở lại nước này vào năm 2014 để hỗ trợ lực lượng Iraq trong cuộc chiến chống các tay súng IS. Các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn hoạt động tại Iraq đã tăng cường những cuộc tấn công chống lại lực lượng Mỹ trong những tháng gần đây.
Ông Dan Caldwell, một cố vấn cấp cao Mỹ, nhận định với hãng tin AP rằng quân đội Mỹ sẽ gặp rủi ro một khi vẫn còn hoạt động tại Iraq. Đầu tháng này, có đến 14 quả tên lửa đã nhắm vào Căn cứ Không quân Al-Assad, nơi đóng quân của liên quân do Mỹ dẫn đầu ở tỉnh Anbar, miền Tây Iraq, khiến 2 người bị thương nhẹ.
Các nhà phân tích cho rằng giới lãnh đạo Iraq đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ các nhóm chính trị dòng Shia theo đường lối cứng rắn, những người yêu cầu tất cả binh sĩ Mỹ rời khỏi Iraq.
Sự thay đổi nhiệm vụ lần này của quân đội Mỹ có thể được xem là một lợi ích chính trị cho Thủ tướng al-Kadhimi trước thềm cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 10 tới. Thông báo kết thúc nhiệm vụ chiến đấu ở Iraq được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Biden xác nhận quyết định rút quân khỏi Afghanistan.
Các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq đã khiến quân đội Mỹ tiêu tốn nhiều nguồn lực và lơ là về một Trung Quốc đang trỗi dậy mà chính quyền ông Biden gọi là thách thức an ninh lớn nhất trong dài hạn.
Dù rút quân khỏi Afghanistan, Tư lệnh Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ Kenneth McKenzie hôm 25-7 tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc không kích để hỗ trợ lực lượng Afghanistan trong những cuộc tấn công từ Taliban.
Quyết định rút quân khỏi Afghanistan là sự kế thừa di sản của người tiền nhiệm Donald Trump nhưng cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, cựu lãnh đạo Mỹ từng đưa quân vào Afghanistan hồi năm 2001, cảnh báo hậu quả sẽ rất tồi tệ. Đến nay, Afghanistan vẫn chìm trong xung đột và giao tranh khi chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban chưa thể đạt được thỏa thuận hòa bình.
Theo hãng tin Reuters, Taliban đẩy mạnh các cuộc tấn công chiếm quyền kiểm soát nhiều khu vực kể từ sau khi Tổng thống Biden hồi tháng 4 tuyên bố binh sĩ Mỹ sẽ rút hết khỏi Afghanistan trước tháng 9, chấm dứt sự hiện diện quân sự 20 năm ở nước này.
Chuyển "tầm ngắm" sang Trung Quốc?
Các quyết định về quân sự ở Iraq và Afghanistan cho thấy nỗ lực của chính quyền ông Biden nhằm thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ đã được đưa ra từ 2 thập kỷ trước. Thay vào đó, ông Biden muốn tập trung vào các mối đe dọa từ Trung Quốc.
Bảo vệ cho quyết định rút quân khỏi Afghanistan, theo đài CNN, Tổng thống Biden nhiều lần cho rằng đã đến lúc cần tập trung vào các mối đe dọa của ngày hôm nay chứ không phải của 20 năm trước. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 26-7 cho biết Trung Quốc và Pakistan thống nhất quyết định tiến hành "các hoạt động chung" ở Afghanistan nhằm ngăn nước này trở thành "điểm nóng của chủ nghĩa khủng bố".
Bình luận (0)